Điêu tàn
Dự án đường nối phường được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt ngày 31.12.2014 với diện tích 726.304m2, liên quan tới 513 hộ dân ở 3 phường Hồng Hải, Hà Trung, Hà Lầm, TP.Hạ Long. Theo đó, chủ đầu tư sẽ bỏ tiền mở một con đường đi qua 3 phường; đổi lại, nhà đầu tư được bán quỹ đất hai bên đường mới mở.
Tuy nhiên, dự án hơn 500 tỉ đồng này, theo UBND TP.Hạ Long, đến nay chủ đầu tư mới thi công được một số đoạn đường công vụ, nạo vét rãnh thoát nước, san lấp mặt bằng một khu tái định cư, dù dự án đã một lần điều chỉnh thời hạn hoàn thành giải phóng mặt bằng và một lần điều chỉnh quy mô.
Những hộ dân nằm trong dự án ở cả 3 phường giờ không khác gì những bản làng nghèo ở tít vùng cao Tây Bắc. Những ngôi nhà cấp bốn xiêu vẹo, rách nát nằm chênh vênh bên những sườn đồi vì không được phép sửa sang, xây mới.
9.000m2 đất của gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng (ở tổ 31, khu 3, phường Hà Trung, nằm trọn trong dự án) xưa bạt ngàn xoài, bưởi, na và đủ các loại rau xanh, mà giờ ngút ngàn cỏ dại. Phần do tương lai bất định, phần do sau khi dự án mở đường, phạt đồi phía trên, cả khu vực này mỗi lần mưa là ngập chìm trong nước và rác, nên anh cũng như nhiều hộ dân bỏ mặc ruộng vườn.
Ông Vi Văn Dần (ở tổ 2, khu 7A, phường Hồng Hải) cho biết, sau nhiều năm cầm cự, năm ngoái ông đành liều bỏ tiền xây thêm một gian nhỏ, vì con trai lấy vợ. “Phường vào lập biên bản, tôi đồng ý ký cam kết sau này giải tỏa để làm dự án sẽ không đòi hỏi gì, nhưng nếu giải tỏa sau thời hạn 2 năm kể từ ngày ký, tôi sẽ… đòi bồi thường, vì dự án đã quá chậm rồi (!?)” - ông Dần nói.
Bảo vệ nhà đầu tư, quên quyền lợi của dân
9 năm sau, kể từ ngày được cấp phép, ngày 29.1.2013, UBND tỉnh Quảng Ninh lại cho phép chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch, giảm diện tích sử dụng, để hạn chế bồi thường do không có khả năng về tài chính… Theo đó, số hộ dân nằm trong vùng dự án chỉ còn 195 hộ. Hàng trăm hộ mừng ra mặt vì đã tạm thời thoát “nạn”. Những hộ còn lại lo âu thêm bội phần, vì trong khi dự án đường nối phường còn dang dở và đang bị UBND TP.Hạ Long đề nghị thu hồi thì UBND tỉnh Quảng Ninh lại đồng ý cho một Cty khác xây dựng dự án sân gôn, trong đó có phần trùng với dự án cũ. Bởi, việc giải quyết rắc rối giữa dự án cũ và mới có lẽ sẽ mất nhiều thời gian, chưa kể việc dự án sân gôn có thời gian thực hiện từ 2013-2018, mà trong thực tế, dự án nào cũng chậm.
Dự án đường nối phường, hơn 10 năm qua có biết bao văn bản, công văn… của các cấp, các ngành, với những cam kết thực hiện đúng kế hoạch, rồi lại điều chỉnh, rồi lại cam kết… Sự bất tín đó khiến kế hoạch cuộc đời của người dân bị đảo lộn.
“Tại sao chính quyền và nhà đầu tư có nhiều quyền thế, còn chúng tôi không có quyền gì trên chính mảnh đất của mình?” - ông Vi Văn Dần nhăn nhó.
Câu hỏi đó không phải là không có lý, và chính quyền cũng không thể cứ dung thứ mãi cho chính mình và cho nhà đầu tư, mà không tính đến quyền lợi chính đáng của dân.