14/07/2017 3:17 PM
Báo Lao động Thủ đô đã có loạt bài phản ánh về việc, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) chậm tiến độ hơn 13 năm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Đây cũng chỉ là một trong nhiều dự án “treo” trên địa bàn Thủ đô nhiều năm qua. Hệ lụy của những dự án “treo” vừa gây lãng phí tài nguyên vừa gây bất ổn trong đời sống xã hội…
Theo nhiều chuyên gia, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai có ràng buộc về thời gian triển khai dự án nhưng vấn đề về bồi thường thiệt hại cho người dân do chậm hoặc không triển khai dự án chưa được quy định rõ ràng. Bởi vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là điều hết sức cần thiết.
Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt kéo dài khiến đất để hoang hóa, gây lãng phí tài nguyên
Trao đổi với phóng viên, KTS Đào Ngọc Nghiêm (Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội) chia sẻ, việc sớm ban hành Luật Quy hoạch là hết sức cần thiết. Đây là luật phức tạp vì liên quan đến nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng… nhưng vấn đề đặt ra, luật này là luật khung nên phải rà soát kỹ hiện trạng quy hoạch hiện nay để khi thực hiện luật phải đảm bảo tính khả thi. Vừa qua, trong dự thảo của Luật Quy hoạch chưa đưa ra đầy đủ hệ thống quy hoạch cấp quốc gia theo yêu cầu của Trung ương và Chính phủ mà mới dừng lại ở quy hoạch cấp tỉnh, trong khi đó rất nhiều chính quyền địa phương dưới cấp tỉnh rất cần có quy hoạch cụ thể…
Trong dự thảo, Luật Quy hoạch liên quan đến 32 luật, nhưng thực chất nó liên quan đến hơn 50 luật và gần 60 nghị định hiện hành. Vậy thời hạn có hiệu lực của luật này phải có giai đoạn quá độ thích hợp để có thể điều chỉnh các luật này nhằm đảm bảo hệ thống Luật Quốc hội xem xét thông qua có tính thống nhất.
“Trong hệ thống quy hoạch hiện nay có sự chồng chéo. Vậy phải có sự hướng dẫn đồng bộ để đảm bảo tránh sự chồng chéo. Đặc biệt là yêu cầu tích hợp quy hoạch, hiện nay xu hướng của thế giới là rất cần tích hợp quy hoạch nhưng tích hợp đến mức độ nào, tích hợp ở quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng, tích hợp cấp tỉnh… và nội dụng tích hợp cái gì trong khi nó đang tồn tại rất nhiều loại hình quy hoạch khác, điều này trong luật chưa rõ. Bởi vậy, rất cần có Luật Quy hoạch, tuy nhiên luật này phải có tính thực tiễn và nên có lộ trình thích hợp để triển khai. Kèm theo luật này phải có các dự thảo, văn bản hướng dẫn kèm theo, tránh tình trạng có luật rồi nhưng chưa có nghị định, làm luật bị chậm hiệu quả”, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Phạm Ngọc Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội), để giảm và chấm dứt tình trạng “quy hoạch treo”, Luật Quy hoạch cần quy định rõ trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do chậm, không triển khai quy hoạch gây ra. Trong thời gian qua, thực trạng các chương trình dự án trong quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu chức năng về khu cụm công nghiệp, khu dân cư thương mại chậm hoặc không triển khai khá phổ biến, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng dự án cũng như trong vùng quy hoạch.
Do vướng quy hoạch nên người dân không thể xây dựng mới nhà cửa, không thể chuyển mục đích sử dụng đất, không thể đầu tư phát triển gây thiệt hại tài sản, lãng phí nguồn lực xã hội quốc gia. Vì vậy, Luật Quy hoạch cần đưa các điều khoản rõ ràng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các tổ chức, cá nhân có liên quan (chủ đầu tư, cơ quan nhà nước) khi để xảy ra các vi phạm trong dự án, quy hoạch.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ về các chế tài xử lý vi phạm khi chậm, không triển khai quy hoạch. Khoản 2 và Khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai năm 2013 quy định trường hợp đất đã có quy hoạch mà chưa có quyết định thu hồi hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, việc hủy bỏ quy hoạch thì chưa có một quy định rõ ràng, cụ thể sẽ do cơ quan nào thực hiện.
Sau khi quy hoạch được công bố phải có kế hoạch triển khai, nhưng thực tế vì nhiều lý do khác nhau và quy hoạch chậm hoặc không triển khai. Dự thảo Luật Quy hoạch có điều nói về xử lý chung chung mà không nói rõ xử lý như thế nào. Theo đó cần quy định rõ về các chế tài xử lý vi phạm khi chậm, không triển khai quy hoạch. Căn cứ vào mức độ vi phạm cần quy định rõ những trường hợp nào thì xử lý hành chính, những trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng thì cần xử lý hình sự.
Kiến trúc sư Nguyễn Đức Tiến (Bộ Quốc phòng): Trong thực tế việc thu hồi đất để thực hiện dự án, công tác đền bù giải tỏa, bồi thường cho người có đất bị thu hồi bị chậm trễ, kéo dài, gây khó khăn cho người dân, phát sinh nhiều tiêu cực; có trường hợp thu hồi xong để đất hoang hóa, lãng phí nghiêm trọng về đất đai…
Do vậy cần quy định việc chi trả tiền đền bù cho người có đất bị thu hồi phải ngay sau khi ra quyết định thu hồi đất; quy định trong thời gian bao lâu cấp ra quyết định thu hồi đất không tiến hành đền bù phải chịu trách nhiệm hoặc người dân có quyền tiếp tục sử dụng đất đã bị thu hồi để sản xuất trong trường hợp không thực hiện dự án.
Cần kiên quyết hơn trong việc nếu dự án nào không có khả năng thực hiện thì đề nghị kiên quyết xóa quy hoạch, thu hồi chủ trương đầu tư và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng cho nhân dân trong vùng dự án biết để có kế hoạch cải tạo nhà ở, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hoàng Duy – Tuấn Minh (LĐTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.