Nỗ lực hợp tác ba bên Trung ương - địa phương - doanh nghiệp trong việc thu xếp tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho Dự án Thép Tata (Hà Tĩnh) khó thành, khiến việc triển khai Dự án trở nên khó khăn.
Dự án Thép Tata tiếp tục bị đình trệ Thông tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư, mới đây, nhà đầu tư Tata (Ấn Độ) đã tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghe quyết định cuối cùng của Chính phủ Việt Nam đối với việc hỗ trợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho Dự án. Tuy nhiên, câu trả lời không thuận cho Tata, bởi trong bối cảnh khó khăn kinh tế như hiện nay, đầu tư công cũng phải cắt giảm, thì ngân sách nhà nước khó thu xếp khoản tiền lớn như vậy cho việc giải phóng mặt bằng Dự án.

Theo tính toán, do Dự án có diện tích đất lớn, khoảng trên 900 ha, phải di dời gần 3.000 hộ dân, nên chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án này ước tính lên tới 4.000 tỷ đồng. Con số này, ngân sách tỉnh không đủ sức để chi trả, nên Hà Tĩnh đã “kêu gọi” nhà đầu tư cùng góp sức. Tuy nhiên, Tata lại chỉ chấp nhận ứng trước khoảng 30 triệu USD, tương đương mức tạm ứng của một nhà đầu tư lớn khác ở Khu kinh tế Vũng Áng.

Gộp cả ngân sách tỉnh và khoản ứng trước của nhà đầu tư cũng không đủ, muốn giải quyết dứt điểm khó khăn đối với dự án thép này, Hà Tĩnh đã phải cầu “viện binh” từ Trung ương. Phương án phải dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ đã được tính tới. Một tổ công tác đã được thành lập để tính toán, giải quyết việc này, song với câu trả lời về chuyện “ngân sách hạn hẹp”, xem ra, Dự án Thép Tata sẽ tiếp tục bị đình trệ và sau 3 năm làm thủ tục vẫn chưa thể cấp chứng nhận đầu tư.

“Nếu tiến độ vẫn chậm như vậy, chúng tôi sẽ phải cân nhắc việc chuyển nguồn lực này sang đầu tư ở một quốc gia khác”, ông Varun Bajaj, đại diện nhà đầu tư Tata đã từng khẳng định với phóng viên Báo Đầu tư như vậy cách đây chưa lâu.

Thực tế, thông tin về việc Tata sẽ rút khỏi dự án ở Việt Nam đã xuất hiện cách đây ít lâu. Sau câu trả lời về việc Chính phủ khó thu xếp ngân sách để hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho Dự án, dư luận càng đồn đoán về khả năng Tata sẽ dừng triển khai dự án thép 5 tỷ USD ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trao đổi với phóngviên Báo Đầu tư, ông Indronil Sengupta, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tata Steel vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào quyết tâm mạnh mẽ của các lãnh đạo Việt Nam trong việc thực hiện dự án này. “Chúng tôi hy vọng, Chính phủ sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để Dự án có thể được triển khai một cách nhanh chóng và hiệu quả, bởi dự án này sẽ mang lại giá trị kinh tế to lớn cho Việt Nam”, ông Sengupta nói.

Dự án Thép Tata được đầu tư nhà sản xuất thép lớn thứ 7 thế giới - Tata (Tata góp 65% vốn) và 2 tổng công ty lớn của Việt Nam là TCT Thép và TCT Xi măng. Dự án được các bên chính thức ký kết biên bản ghi nhớ và biên bản hợp tác vào giữa năm 2007, với vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ USD, công suất 4,5 triệu tấn/năm, dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2009 - 2015.

Nhắm tới việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Dự án thép Tata đã từng được coi là một điểm nhấn quan trọng cho ngành thép. Tuy nhiên, kể từ khi ký thỏa thuận hợp tác, Dự án thép Tata vẫn chưa thể triển khai, do vướng mắc nhiều vấn đề, trong đó lớn nhất là chưa thống nhất được phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.

Tháng 3 vừa rồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh và nhà đầu tư Tata giải quyết dứt điểm những tồn tại đang cản trở Dự án thép Tata, song tới nay, mọi việc chưa được giải quyết ổn thỏa.
Theo Nguyên Đức (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.