Khởi động rồi để đấy
Tỉnh Quảng Nam vừa có quyết định thu hồi giấy phép đối với 12 dự án đầu tư không thực hiện đúng cam kết. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này, rất nhiều người cũng đang hướng sự quan tâm vè Dự án Nhà máy thép Guang Lian - Dung Quất (Công ty Quảng Liên) nằm trong Khu kinh tế Dung Quất có vốn đầu tư dự kiến lên đến 4,5 tỷ USD, thu hồi hơn 300 ha đất của người dân, chậm triển khai đến 6 năm nay.
Năm 2007, giới đầu tư giật mình khi Khu kinh tế Dung Quất thu hút được dự án Nhà máy luyện cán thép Dung Quất do Tập đoàn Tycoons và E-United (lãnh thổ Đài Loan) xây dựng với quy mô và số vốn cực khủng.
Ngoài số vốn, các kết đầu tư thì lễ khởi động hoành tráng đã khiến cho dự án thêm nổi tiếng và được kỳ vọng lớn. Từ số vốn đăng ký 1,05 tỷ USD (công suất 5 triệu tấn thép/năm), sau đó điều chỉnh tăng lên 3,3 tỷ USD (đổi tên thành dự án Nhà máy thép Guang Lian - Dung Quất) và rồi lại điều chỉnh tăng lên 4,5 tỷ USD (nâng công suất lên 7 triệu tấn thép/năm).
Sau 6 năm, nhà máy vẫn chỉ là bãi cột bê tông.
Thế nhưng, trái với sự hoành tráng ban đầu, việc triển khai của dự án lại rất chậm chạp. Sau nhiều năm không triển khai, đến tháng 10/2012 Công ty Quảng Liên đã hợp tác với Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản). Kế hoạch tháng 7/2013 khởi động lại dự án, nhưng sau đó gặp trục trặc nên đã xin lùi thời gian đến tháng 7/2014.
Như vậy, sau 6 năm sau lễ động thổ hoành và 5 lần điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, dự án tỷ đô này vẫn chỉ là bãi đất trống, nhấp nhô cọc bê-tông, khu đất làm nhà máy chỉ để chăn bò.
Qua nhiều lần điều chỉnh thiết kế, công suất, diện tích của "siêu" dự án thép này đã lên tới 700ha. DN đã thu hồi một lượng đất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Thậm chí, để hỗ trợ DN, tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý cho DN toàn quyền sử dụng con đường Dốc Sỏi - Dung Quất - đường chính dẫn ra cảng, đầu tư làm một con đường cho dân sinh để tạo mọi điều kiện cho DN hoạt động/
Thế nhưng trên thực tế, dự án triển khai quá chậm đã gây ảnh hưởng lớn đền đời sống người dân. Dân cư xung quang dự án cho biết: họ bị thu hồi hàng trăm ha đất nông nghiệp của dân, giờ bỏ hoang, nhà máy chưa triển khai nhưng xây tường bê-tông bít cả lối đi của dân. Không những thế, nhà đầu tư còn đào mương nước cạnh đó, mùa mưa làm ngập cả ruộng...
Chờ đến bao giờ
Dự án Nhà máy thép Guang Lian - Dung Quất là dự án hạng A, đồng nghĩa với việc tỉnh Quảng Ngãi phải bỏ tiền ngân sách ra để giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư. Rất nhiều ưu đãi đã được đưa ra với hy vọng một nhà máy thép đi vào hoạt động tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Nhưng sau 6 năm không triển khai đã khiến cho người dân thêm bức xúc.
"Từ khi dự án nhà máy thép Quảng Liên đầu tư đến nay người dân chưa được lợi cái gì. Cử tri phản ánh rằng, thu hồi đất của dân từ 2007 đến nay tại sao dự án không làm, dân mất đất sản xuất, chúng tôi rất khó nói với bà con", ông Phạm Đình Chí - Chánh Văn phòng UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) lo lắng khi nhắc tới dự án Nhà máy thép Quảng Liên.
Đáng nói hơn, tại Bình Sơn, sau khi bàn giao đất sản xuất cho doanh nghiệp, người dân nhận hàng trăm triệu tiền đền bù nhưng sau đó lại không có việc làm, do thiếu đất sản xuất.
"Diện tích đất mà xã Bình Sơn phải giao cho Quảng Liên năm 2007 là 220 ha, chiếm 70% diện tích đất nông nghiệp toàn xã. Không có đất sản xuất, nguy cơ tái nghèo đến năm 2015 của người dân là rất cao. Trong quá trình thi công, Cty Quảng Liên không tạo dòng chảy làm ngập cục bộ vào mùa mưa ở thôn Tân Hy, con em trong thôn đi học phải lội qua ngập tới rốn", ông Nguyễn Văn Thanh - Phó chủ tịch UBND xã Bình Đông bức xúc.
Đến nay, "Không ai dám chắc 100% là khả thi và phải có độ rủi ro. Đến nay, chúng tôi không tin tưởng vào Quảng Liên. Dự án này giờ muốn dừng cũng không được, triển khai tiếp thì khó khăn. Tính pháp lý mới nhất của dự án là điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lên 4,5 tỷ USD vẫn chưa hoàn thành", ông Lê Xuân Dũng - Phó Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất trăn trở.
Trong khi dự án triển khai chậm, đất bỏ hoang nhưng được biết, trong đề xuất hợp tác mới đây với JFE (Nhật Bản), Guang Lian tiếp tục đề xuất thu hồi thêm 23 ha đất thuộc một khu cảng mới được cấp phép. Dự án vẫn tiếp tục được ưu đãi nhưng với lịch sử chậm triển khai trong 6 năm qua, thì rất nhiều lo ngại rằng đến tháng 7/2014 JFE và Quảng Liên có tiếp tục đầu tư và nếu không thì hậu quả sẽ thế nào?
Được biết, Hiệp hội Thép Việt Nam và Bộ GTVT từng rất nhiều lần phản đối Dự án Nhà máy thép Quảng Liên bởi sự yếu kém về năng lực của nhà đầu tư cũng như tính không khả thi của dự án khi ngay tại khu vực Đông Nam Á có tới 3 nhà máy thép "khủng" khác cùng sản ra sản phẩm thép như dự kiến của Quảng Liên nên đầu ra thấy rõ sẽ bị dư thừa. Và với thực tế hiện nay, những cảnh báo này cần xem ra chưa hề cũ.