Chậm tiến độ, thiếu vốn
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, các dự án xây dựng quỹ nhà TĐC thực hiện quá chậm so với tiến độ được phê duyệt dẫn đến việc quỹ nhà này thực tế không kịp hoàn thiện để bố trí TĐC phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) theo đúng tiến độ.
Báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy, đến nay toàn TP đã hoàn thành 12.073 căn hộ TĐC. Trong số này, đã có 10.816 căn được đưa vào sử dụng, còn 1.257 căn đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, số căn hộ chưa sử dụng đó cơ bản đã bố trí hết cho các dự án. Cụ thể, dự án cầu Nhật Tân đã bố trí 360 căn tại nhà CT14 Khu đô thị (KĐT) Nam Thăng Long (đã sử dụng 308 căn, còn 52 căn chưa sử dụng); dự án đường Văn Cao - Hồ Tây đã bố trí 350 căn tại nhà B6A, B6C, A6 KĐT Nam Trung Yên (đã sử dụng 200 căn, còn 150 căn chưa sử dụng); dự án đường Vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu đã bố trí 400 căn tại nhà B6, B10, A6 KĐT Nam Trung Yên và 300 căn cho đoạn Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái...
Năm 2012 và các năm tiếp theo, Hà Nội sẽ rất thiếu quỹ nhà TĐC.
Ông Tuấn cho hay, TP đang triển khai 52 dự án xây dựng nhà ở TĐC với khoảng 14.102 căn hộ. Trong đó, năm 2012, dự kiến hoàn thành 2.005 căn hộ. Giai đoạn 2013-2015, dự kiến hoàn thành 12.097 căn hộ. Ngoài ra, TP cũng đã đặt hàng mua nhà TĐC tại 13 dự án với tổng số 3.189 căn hộ. Theo cơ chế đặt hàng, dự kiến trong năm 2012 sẽ hoàn thành 606 căn hộ và giai đoạn 2013-2015 hoàn thành 2.583 căn hộ.
Theo đúng tiến độ, trong các năm 2006-2007 phải bàn giao nhà nhưng đến nay nhiều dự án vẫn chưa hoàn thành và chưa bàn giao nhà đưa vào sử dụng với lý do các chủ đầu tư đưa ra là do chậm thanh toán vốn để kéo dài thời gian hoàn thiện và bàn giao nhà.
“Mặt khác, quỹ đất 20% tại các KĐT dành để xây dựng nhà TĐC các chủ đầu tư đều chậm GPMB để bàn giao cho TP để xây dựng như: quỹ đất tại KĐT TP Giao Lưu để xây dựng nhà CT5, quỹ đất tại KĐT Tứ Hiệp để xây nhà TĐC phục vụ GPMB công viên Yên Sở...
Cùng với đó, tại một số dự án quỹ đất TĐC TP đã cho phép sử dụng để đối ứng cho các dự án của các doanh nghiệp, hoặc chuyển sang xây dựng nhà ở kinh doanh gây khó khăn trong việc tạo lập quỹ nhà TĐC của TP” – ông Tuấn cho biết thêm.
Đề nghị áp dụng nhiều cách TĐC
Tại cuộc họp kiểm điểm về các dự án đầu tư xây dựng nhà TĐC trên địa bàn TP, ông Tuấn kiến nghị TP cho phép sử dụng nhiều phương pháp TĐC như: TĐC và tạm cư bằng tiền, hoặc mua quỹ nhà kinh doanh tại các KĐT mới, mua quỹ nhà của các nhà đầu tư dự án BT đã có hoặc giao nhà đầu tư dự án BT ứng vốn xây dựng nhà TĐC. Bởi lẽ, thực tế nhu cầu cần sử dụng ngay căn hộ TĐC rất lớn, các dự án xây dựng nhà TĐC dự kiến hoàn thành trong năm 2012 sẽ không thể đáp ứng đủ.
Đơn cử, một số dự án lớn đến nay vẫn chưa cân đối được quỹ nhà TĐC, gồm dự án đường Vành đai II đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng (cần khoảng 3.500 căn hộ); dự án đường Vành đai I đoạn Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái (còn thiếu khoảng 500 căn hộ); dự án đường Nguyễn Hoàng Tôn - quận Tây Hồ (cần khoảng 900 căn hộ); dự án đường Tam Trinh - Lĩnh Nam (cần khoảng 900 căn hộ)…
Đồng thời, lãnh đạo Sở Xây dựng kiến nghị, đối với quỹ đất 20% được giữ nguyên mục đích sử dụng để xây dựng nhà TĐCs và nhà ở xã hội theo quy định. Trường hợp những quỹ nhà TĐC đã bố trí cho các dự án mà theo tiến độ thực hiện chậm hơn 12 tháng chưa sử dụng, Sở Xây dựng đề nghị TP cho phép điều chỉnh sang dự án khác có nhu cầu cần ngay quỹ nhà TĐC.
Trước tình hình này, lãnh đạo TP yêu cầu các sở, ngành cân nhắc hai phương án. Một là, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhận dự án xây dựng nhà TĐC bằng vốn ứng trước, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án. Cùng với đó, các ngành khẩn trương xây dựng cơ chế chung hoặc cơ chế riêng cho từng dự án. Hai là, Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp đề xuất khung cơ chế để mua nhà TĐC của các chủ dự án thương mại và nguyên tắc tính giá, trong đó tính đến việc khấu trừ tỷ lệ tiền sử dụng đất, đầu tư hạ tầng…