CafeLand – Đây là một trong những nội dung được Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) trong phiên họp toàn thể vào sáng nay (28/5).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) trước Quốc hội, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định của luật hiện hành. Chính phủ và một số đại biểu đề nghị điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng để phù hợp với thực tiễn.

Đây là nội dung còn ý kiến khác nhau, UBTVQH xin ý kiến đại biểu theo 2 phương án: giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành, hoặc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng gấp 2 lần mức hiện hành.

"UBTVQH nhất trí theo phương án 1, giữ nguyên như Luật Đầu tư công hiện hành", ông Hải nói.

Thảo luận tại hội trường, ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu quan điểm, nâng tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỷ đồng là không hợp lý. Ông nêu ra lý do mức 10.000 tỷ không có vấn đề gì, kể cả giai đoạn 2016 – 2020 chỉ có 2 dự án; thứ hai là không có biến động lớn về giá cả; Thứ ba, thực tiễn cho thấy Quốc hội quyết định thì có ngay vốn, có ngay chính sách đặc thù; Thứ tư, nếu coi 10.000 tỷ là bất hợp lý do trượt giá rồi thì chứng tỏ giai đoạn trước chúng ra đưa ra tiêu chí quá cao. Thứ năm, để điều chỉnh thế này có thể 5 năm sau Quốc hội cũng không được quyết định một dự án nào.

Một số đại biểu khác đều đồng tình với quan điểm của đại biểu Hoàng Quang Hàm. Giữ lại quy định cũ 10.000 tỷ là hợp lý, cần thiết.

Dự thảo luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 6 chương, 101 điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật này thay thế cho Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 và dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Theo dự thảo, Dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí dưới đây:

- Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên;

- Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: Nhà máy điện hạt nhân; Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;

- Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên;

- Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác;

- Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Hoàng An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.