22/08/2016 8:37 AM
Lờ đi việc công bố giá đất tái định cư nhưng lại thúc ép người dân nhận tiền đền bù với mức bị phần lớn người dân cho là quá thấp, dự án nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn qua TP. Hưng Yên đang bị tố nhập nhèm về thông tin.

Sơ đồ quy hoạch khu vực đất tái định cư tại xã Phương Chiểu, TP. Hưng Yên nằm lay lắt bên bờ mương. Ảnh: Hải Nguyễn

Dự án mập mờ thông tin, dân bức xúc

Là một trong những dự án giao thông trọng điểm của quốc gia, dự án tuyến đường bộ kết nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được khởi động từ đầu năm 2015 và nhận được sự ủng hộ về chủ trương của người dân những địa phương liên quan gồm Hưng Yên và Hà Nam. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng, hàng trăm hộ dân tại 3 xã Tân Hưng, Phương Chiểu và Hồng Nam không khỏi bức xúc trước sự mập mờ về thông tin của dự án, sự né tránh của cơ quan nhà nước trong việc tiếp xúc, trao đổi với người dân.

Phản ánh với báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Đức, cư ngụ tại xã Tân Hưng, TP. Hưng Yên cho biết, ông cùng hàng trăm hộ dân trong xã đều ủng hộ chính sách của Đảng và Nhà nước nhưng “giá đền bù đất cát quá thấp” khiến cho gia đình ông và các hộ xung quanh cảm thấy bức xúc. Theo ông Đức, mức đền bù cho đất thổ cư ở xã này cao nhất cũng chỉ ở mức 990.000đ/m2 còn mức thấp nhất chỉ là 660.000đ/m2. “Nhà tôi nhà 4 gian trên 70m2 (cả nhà lẫn đất) mà đền bù chỉ 93 triệu đồng” trong khi mức giá thị trường cho khu vực này vào khoảng 5 triệu đồng/m2đất thổ cư (chưa tính chi phí xây nhà) ông Đức cho hay. Dù còn chưa đầy 2 tuần đến thời hạn 31.8 nhưng tất cả các hộ dân tại 3 xã đều chưa nhận được thông tin cụ thể về việc tái định cư. Đến nay, ngoài việc công bố bản đồ tái định cư UBND tỉnh Hưng Yên chưa có lệnh thu hồi đất để dãn dân tái định cư và cũng chưa công bố mức giá đất tái định cư dù đã lên quy hoạch.

Các hộ dân thuộc 3 xã Tân Hưng, Phương Chiểu và Hồng Nam đều lên tiếng đề nghị cơ quan chức năng sớm công bố giá đất tái định cư cũng như lộ trình bàn giao đất tái định cư để người dân còn lo sắp xếp ổn định cuộc sống sau khi giao mặt bằng đất cho dự án.

Chủ tịch xã: Việc áp giá do tỉnh quy định nên phải đồng ý!

Mang những thắc mắc của người dân, ngày 16.8 PV Báo Lao Động tới gặp Chủ tịch UBND xã Phương Chiểu. Ông Vũ Văn Giản cho rằng, mỗi tỉnh thành có đơn giá đất riêng căn cứ vào tình hình thực tế, giá đất tỉnh Hưng Yên đều có công bố và điều chỉnh từng năm. Trước bức xúc của người dân về việc áp giá đền bù quá thấp, ông Giản nhận định, bản thân ông cũng thấy khung giá đất đưa ra của tỉnh từ đầu năm là thấp và “không hợp lý” nhưng khi khung giá này được sử dụng để tính thuế đất thì “không ai có ý kiến” vì muốn nộp thuế thấp nhưng khi dùng mức định giá đó để tính tiền đền bù thì dân lại phản ứng.

Ông này cho biết: Việc áp giá do tỉnh quy định từ đầu năm nên không thể không chấp thuận bởi “đã có chữ “không” thì đồng nghĩa với việc không chấp hành” và mức giá có thấp thì cũng là do tỉnh ban hành ra nên “phải đồng ý” còn xã đang tìm mọi cách để mang quyền lợi về cho dân.

Khi được hỏi về việc nếu có người dân thấy khung giá đó quá thấp và muốn đóng thuế cao hơn để sau này có mức đền bù cao hơn, ông Giản cho rằng, đó chỉ là ý kiến cá nhân, không đại diện cho tập thể và tất cả phải theo chủ trương chung!

Ông này cũng khẳng định, chủ tịch tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo 4 xã liên quan về việc đảm bảo đúng tiến độ nên xã đang làm hết sức nghiêm túc và “không ai dám làm sai”.

Về quy trình cung cấp trao đổi thông tin, ông Giản khẳng định đã cung cấp đủ thông tin cho dân trong 2 lần gặp mặt người dân với sự góp mặt của đại diện tỉnh nhưng thừa nhận hiện chưa có giá đất tái định cư cũng như lộ trình giao đất tái định cư sau khi giải phóng mặt bằng. Ông này cho biết, có nghe nói giá đất tái định cư vào khoảng 2,4 triệu đồng/m2, lãnh đạo tỉnh hiện chỉ đạo phải giảm hơn nhưng sẽ giảm mức đầu tư và dự đoán việc giao mặt bằng đất tái định cư sẽ mất vài tháng nhưng không lâu do việc san lấp đất ruộng rất nhanh.

Về đề xuất mua thêm đất ngoài suất 100m2/hộ, ông khẳng định là “không thể trái quy định của tỉnh”.

“Chưa có thông tin, người dân có quyền từ chối”

Trả lời phỏng vấn báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, người dân có quyền từ chối chưa giao mặt bằng đất khi chưa có thông tin về mức giá cũng như lộ trình tái định cư và việc cưỡng chế phải được thực hiện theo luật và “cứ luật mà làm”. Ông Kiên khẳng định, cần xem xét xem giá đất đền bù có lệch so với mức giá do UBND tỉnh công bố hằng năm hay không và người dân nếu thấy bức xúc có thể lên gặp trung tâm hỗ trợ dịch vụ của Sở Tư pháp để được tư vấn về pháp luật.
Khánh Hòa (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.