08/10/2015 3:03 PM
Thị trường bất động sản có tín hiệu hồi phục, nhiều dự án chung cư trong ngõ hẹp cũng vụt sáng như những ngôi sao, được khách quan tâm mua nhà và tăng giá bán. Thế nhưng, không ít dự án trong ngõ nhỏ chớm nở, đã chóng tàn vì những vị trí bất lợi giao thông, hoặc bị khách hàng tẩy chay do chủ đầu tư thiếu chuyên nghiệp khi phần nhiều là những “tay ngang” bước chân vào thị trường.
Dự án Star Tower ngõ 283 Khương Trung đang gây áp lực lớn cho giao thông khu vực
“Ngôi sao” ngõ hẻm
Có vị trí không mấy thuận tiện về giao thông, dự án nhà ở 283 Khương Trung (nằm trong ngõ 283 đường Khương Trung), do CTCP Đầu tư Thiết kế và Xây dựng (VIDEC) làm chủ đầu tư vẫn tạo được ấn tượng về thanh khoản trong nửa đầu năm 2015 vì mức giá hợp lý, chỉ khoảng 23-24 triệu đồng/m2.
Thế nhưng, kể từ khi đơn nguyên đầu tiên đi vào sử dụng, khu vực đường Khương Trung vốn đã quá tải về hạ tầng giao thông, nay tình trạng tắc đường ngày càng nghiêm trọng hơn. Với 400 căn hộ của các đơn nguyên A và B dần có người dọn đến ở, các khu vực như đoạn ngõ 283 và đoạn giao với đường Nguyễn Trãi liên tục xảy ra ùn tắc.
Sau khi đã hoàn tất việc bán căn hộ tại hai tòa A, B Dự án 283 Khương Trung, VIDEC tiếp tục triển khai đơn nguyên mới, cùng nằm trên lô đất trong ngõ 283 Khương Trung với tên gọi mới: Tòa Star Tower. Dự án Star Tower cao 25 tầng, với khoảng 250 căn hộ và phần đế có chức năng dịch vụ thương mại.
Do dự án chỉ vừa mới khởi công, chưa đủ điều kiện bán hàng, VIDEC đã thông qua một đơn vị phân phối là Worldstar Land giới thiệu ra thị trường dưới dạng đặt cọc mua nhà với giá từ 25 - 28 triệu đồng/m2 (chưa phí bảo trì). Theo đó, khách hàng muốn mua nhà có thể đặt cọc khoảng 50 triệu đồng để giữ chỗ đến khi nào dự án đủ điều kiện bán hàng sẽ sang tên hợp đồng.
Như vậy, giá căn hộ Star Tower sẽ cao hơn giá bán căn hộ tại tòa A, B trước đó từ 2 - 4 triệu đồng/m2. Việc triển khai thêm tòa tháp Star Tower trong ngõ nhỏ 283 Khương Trung chắc chắn sẽ gây áp lực thêm cho hạ tầng cho đường Khương Trung, vốn chỉ rộng từ 3 - 4 mét. Áp lực về hạ tầng giao thông, chắc chắn cũng sẽ khiến cuộc sống của cư dân mua căn hộ nằm trong ngõ 283 Khương Trung sau này không mấy dễ chịu trong sinh hoạt, đi lại.
… và im lìm sau khi mở bán
Sau một thời gian dài nằm “đắp chiếu” không thể triển khai và bị khách hàng đòi tiền góp vốn, đến năm 2013, dự án Sky Garden bất ngờ được Công ty Vân Thái khởi động và được nhiều người chú ý vì chủ đầu tư truyền thông rầm rộ.
Tuy nhiên, dự án Sky Garden có vị trí không mấy thuận tiện về mặt giao thông, khi nằm sâu trong ngõ nhỏ 115 phố Định Công. Thế nhưng, dự án được khởi động xây dựng trở lại đúng lúc thị trường căn hộ Hà Nội bắt đầu xuất hiện thanh khoản. Dự án được phân phối bán hàng bởi một trong các nhà phân phối lớn nhất tại Hà Nội.
Mặt khác, trong lúc thị trường tràn lan dự án “đắp chiếu”, chủ đầu tư này cam kết đẩy mạnh triển khai và lắp camera tận chân công trình để khách hàng theo dõi trực tuyến tiến độ dự án. Vì thế, không ít khách hàng đã xuống tiền mua nhà tại dự án Sky Garden.
Theo thống kê chưa đầy đủ, khách hàng đã đóng cho chủ đầu tư khoảng 180 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi xây dựng xong phần đế, dự án Sky Garden lại bị ngừng thi công. Tính đến nay, Sky Garden đã có thêm khoảng 2 năm “đắp chiếu”. Để bảo đảm quyền lợi cho người mua nhà và đảm bảo mỹ quan cho khu dân cư, mới đây, Hà Nội đã kiến nghị thu hồi dự án Sky Garden để chuyển cho chủ đầu tư khác thực hiện dự án. Tuy nhiên, quá trình chuyển chủ đầu tư tại dự án này không biết khi nào mới có thể hoàn thành.
Tại Hà Nội, Sky Garden không phải là dự án nằm trong ngõ hẻm duy nhất gặp khó khăn trong triển khai xây dựng và bán hàng.
Chẳng hạn, dự án HongKong Tower nằm sâu trong hẻm của đường Đê La Thành mới đây cũng được chủ đầu tư là CTCP Đầu tư đô thị Kang Long khởi động và mở bán. Thế nhưng, sau lễ mở bán 6 tháng trời, đến đầu tháng 10/2015, HongKong Tower vẫn ở vị trí cốt 0:0, trong khi công trường dự án dường như không có công nhân làm việc.
Một dự án khác là dự án Sapphire Palace tại số 4 phố Chính Kinh với diện tích mặt đường chỉ rộng khoảng 4 mét, dẫn vào làng Nhân Chính và thường xuyên bị cư dân tận dụng làm chợ tạm. Trước khi được thi công trở lại, dự án này cũng “đắp chiếu” trong thời gian dài. Thậm chí, sau khi tái khởi động, Sapphire Palace tiếp tục vướng vào hàng loạt rắc rối quanh chuyện bán hàng của các đơn vị phân phối.
Với tình cảnh giao thông ngày càng bí bách của các đô thị lớn như Hà Nội, nên chăng các cơ quan quản lý khi cấp phép cho các dự án trong ngõ nhỏ cần yêu cầu các chủ đầu tư bỏ ra một lượng kinh phí nhất định để cải tạo một phần hạ tầng giao thông liên quan. Tránh tình trạng một con ngõ nhỏ gánh vài khu chung cư và người dân nơm nớp mỗi khi ra đường vào giờ cao điểm.
Nguyên Minh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.