09/01/2018 11:14 PM
TS Đinh Sơn Hùng cho rằng, do tâm lý xin quá dễ nên dự án nào cũng xin tăng đầu tư hàng chục ngàn tỷ.

Nguyên Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM yêu cầu, TP.HCM phải làm rõ cơ sở xây dựng tổng mức đầu tư ban đầu của cả hai tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên và tuyến metro số 2 Bến Thành-Tham Lương.

Hai dự án metro đội vốn khủng. Ảnh: LĐO

Theo đó, hai dự án này lần lượt được phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỉ đồng (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) và 26.100 tỉ đồng (tuyến Bến Thành - Tham Lương). Với mức đầu tư này, cả hai dự án đều thuộc nhóm A, không phải trình Quốc hội.

"Trước mắt, phải làm rõ tổng mức dự toán được xây dựng dựa trên căn cứ, cơ sở nào? Đơn vị nào xây dựng, đưa ra định mức tổng dự toán như vậy?

Ở Việt Nam lâu nay vẫn luôn có tình trạng xây dựng tổng mức đầu tư thấp để dự án dễ được thông qua sau đó lại tìm cách đội vốn lên. Hiện tượng trên đã trở thành phong trào. Đây là cái cớ để chạy dự án, đồng thời cũng là cơ hội để những người tham gia kiếm lợi.

Dự án này có nằm trong số đó hay không? Kiểu đội vốn này là để chạy dự án hay để tư túi? Cần phải làm rõ", ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, cách thức dìm tổng mức dự toán xuống thấp để có cho được dự án thực chất là học theo xu hướng của các nhà thầu Trung Quốc. Bỏ thầu giá rẻ, sau khi có được dự án mới tìm cách đẩy vốn lên cao hơn gấp nhiều lần. Chiêu thức này cũng vậy, xây dựng tổng mức đầu tư thật thấp, sau khi có được dự án thì tìm mọi lý do để xin tăng tổng mức đầu tư.

Đáng nói, việc xin tăng tổng mức đầu tư ở các dự án hiện cũng đang được chấp thuận quá dễ dàng. Một dự án từ 17.400 tỉ đồng xin tăng hơn 47.300 tỉ đồng, hay từ 26.100 tỉ đồng xin tăng tới hơn 40.000 tỉ đồng mà lập luận đơn giản, nhẹ nhàng như không là rất đáng quan ngại.

"Bắt đầu từ bây giờ phải chấm dứt tình trạng dự án đội vốn, xin là cho. Làm sao có chuyện một dự án xin tăng tới mấy chục nghìn tỷ mà nói nhẹ như không thế? Chỉ có thể giải thích, là do việc xin quá dễ, xin là được nên cứ xin mãi", ông Hùng bức xúc.

Theo ông Hùng, những lý do đội vốn mà UBND Tp.HCM báo cáo cũng phải được xem xét kỹ lưỡng, ở đây còn liên quan tới cả trách nhiệm quản lý, giám sát của TP.HCM.

"Dù có viện dẫn đủ lý do thì cũng cần phải nhìn nhận lại trách nhiệm, trình độ, năng lực của các cơ quan, đơn vị giám sát, thực hiện dự án. Đây là một xu hướng không lành mạnh, gây hại cho nền kinh tế và xã hội. Chính phủ phải ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này càng sớm, càng tốt", ông Hùng nói.

Nhắc lại nguyên tắc phân tách độc lập ba khâu: Thứ nhất là người lập dự án, thứ hai là người phê duyệt dự án và thứ ba là người thực hiện dự án. Đi cùng với đó cũng phải quy trách nhiệm rõ ràng của từng khâu, theo đó, khi xảy ra sự cố ở khâu nào thì xử lý ngay ở khâu đó.

Lâu nay việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA còn nhiều lỗ hổng.

Ngoài nghi ngại tiêu cực, thì còn liên quan tới câu chuyện nợ công. Qua dự án này cần phải truy trách nhiệm và đề xuất xử lý thật nghiêm, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước để tránh những tiền lệ xấu", ông Hùng bức xúc.

Ngoài ra, ông Hùng cũng đề cập tới quyết định cho phép TP.HCM được giữ lại khoản tiền 67.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa các DNNN và thoái vốn để thực hiện các dự án đầu tư quan trọng. Theo ông Hùng, nếu vấn đề này không được công khai, minh bạch sẽ rất dễ tới sự nhập nhèm trong sử dụng, quản lý, gây thất thoát, khó quy được trách nhiệm.

"Theo nguyên tắc, khoản tiền được giữa lại để chi cho các dự án đầu tư trọng điểm thì bắt buộc phải được chi cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, hiện nay hoàn toàn không có thông tin gì được gọi là công khai, minh bạch, nếu như vậy thì TP.HCM sử dụng khoản tiền đó thế nào? Sử dụng bao nhiêu? Đầu tư vào dự án nào? Hiệu quả ra sao? không ai có thể biết được".

Ông Hùng cho rằng, nếu cứ mập mờ, không rõ ràng như hiện nay sẽ rất khó xử lý được trách nhiệm khi sự cố xảy ra.

"Để quản lý tốt đồng vốn từ cổ phần hóa, cần phải dựa trên kế hoạch chi của TP.HCM trong năm 2018. Trên cơ sở đó, sẽ phải có biện pháp khống chế mức chi, không được vượt quá định mức cho phép. Vốn phải được tập trung đầu tư ưu tiên cho các dự án trọng điểm. Tâm lý tiền cũng muốn mà dự án cũng muốn phải được chấm dứt, không thể để tình trạng xé nhỏ nguồn lực, đầu tư dàn trải gây thất thoát, lãng phí", vị chuyên gia thẳng thắn.

Lam Nguyên (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.