Hơn 7 năm, dự án (DA) vẫn không nhúc nhích. Chủ đầu tư từ Cty thanh niên xung phong (TNXP), lại sang tay Cty TNHH nông sản Vinh Phát. Sự không minh bạch trong thủ tục thực hiện DA đã khiến cho hàng chục hộ dân đi cũng khổ, mà ở lại cũng không xong...

Một góc dự án của Cty TNXP, nay sang tay Cty TNHH nông sản Vinh Phát hiện chưa giải tỏa xong. Ảnh: C.H

Dự án kinh doanh núp bóng tái định cư?

Ngày 12.4.2001, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 427/QĐ-TTg, với nội dung thu hồi 29.827m2 đất (lô 13 và 14), phường 22, quận Bình Thạnh, để giao cho Cty TNXP đầu tư xây dựng khu nhà ở tái định cư đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ngày 18.6.2003, UBND TP lại ra tiếp Quyết định số 2720/QĐ-UB, thu hồi và giao đất cho Cty TNXP đầu tư khu nhà ở cao tầng lô 13 – 14 (giai đoạn 2), tại phường 22, quận Bình Thạnh.

Vấn đề đặt ra ở đây là, DA “khu nhà ở cao tầng lô 13 – 14” và DA “khu nhà ở tái định cư” là một hay là hai DA tách bạch? Trong khi đó, người dân bị thu hồi đất tại lô 13 – 14 đã cho rằng: Chính quyền TP đã lợi dụng tên DA của Chính phủ, gộp 2 DA làm một để người dân tưởng đây là DA Thủ tướng đã phê duyệt, nhằm mục đích thu hồi đất của dân, phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản. Trong khi sự nhập nhèm của 2 DA chưa được giải thích thỏa đáng, việc bồi thường giải tỏa chưa tới đâu..., thì đột ngột, chủ đầu tư Cty TNXP rút khỏi DA, thay đổi chủ đầu tư sang tay Cty TNHH nông sản Vinh Phát. Việc thay tên đổi chủ DA càng làm cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thêm rối rắm. Người dân cho rằng, không thể lấy DA tái định cư làm bình phong cho DA kinh doanh.

Bởi lẽ, giá đền bù cho người dân theo DA kinh doanh phải trên cơ sở chủ đầu tư nhận chuyển nhượng, thỏa thuận với dân; Nhà nước không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất. Tuy nhiên, trong DA của Cty TNXP, UBND TP lại quy định Nhà nước đứng ra bồi thường, giải tỏa, thu hồi đất của dân; trong khi quyết định thu hồi đất của UBND TP lại xác định DA Cty TNXP là DA kinh doanh (?).

Người dân thua thiệt!

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều hộ dân cư ngụ ở khu phố 48, phường 22 cho biết: Năm 1999, khi giải toả, thu hồi đất để làm đường Nguyễn Hữu Cảnh (tức Lê Thánh Tôn nối dài), người dân đã bị thu hồi đất một lần, với giá bồi thường khoảng 1,45 triệu đồng/m2. Nhưng vì lợi ích công cộng, người dân vẫn giao đất và chấp nhận thua thiệt, sử dụng phần đất còn lại. Những tưởng ổn định cuộc sống, ai ngờ lại bị chính quyền ra quyết định thu hồi đất tiếp tục để giao cho Cty TNXP. Hàng chục hộ dân nơi đây không còn biết tính sao, khi mà giá bồi thường không đủ cho người dân mua lại một căn nhà mới tương đương để sinh sống.

Trong lúc quyết định thu hồi đất xác nhận DA giao Cty TNXP là DA kinh doanh, thì phương án bồi thường tổng thể số 85/PABT –UBND ngày 12.6.2006 của UBND quận Bình Thạnh lại cho rằng: Đây là khu vực đất quy hoạch do Nhà nước bồi thường; dẫn tới giá bồi thường cho người dân chỉ bằng 1/4 đơn giá thị trường. Ông Đinh Ngọc Đá – ngụ số 113/101A Võ Duy Ninh, phường 22 – cho biết: “Tôi là chủ sở hữu một căn nhà bị giải tỏa trong DA đường Lê Thánh Tôn nối dài. Gia đình tôi bàn giao đất từ năm 2000 và đăng ký mua 2 nền đất tái định cư (50m2/nền) tại lô 13 – 14 Nguyễn Hữu Cảnh. Nay đã hơn 10 năm, gia đình tôi vẫn chưa nhận được nền đất. Trái lại, năm 2007, Ban giải phóng mặt bằng quận còn thông báo không tái định cư cho gia đình tôi bằng nền đất (?).

Thay vào đó, tôi chỉ được bù tiền chênh lệch 30 triệu đồng/m2 và tự lo chỗ ở. Mức giá này quá thấp so với giá thị trường. Tôi đề nghị tiếp tục được tái định cư, thì bị... cắt bớt tiêu chuẩn tái định cư 20m2. Thật vô lý!”. Liên quan trong vụ này có tới 58 hộ dân, dù đã giao đất cho DA đường Lê Thánh Tôn, nhưng suốt 10 năm nay vẫn chưa được quận Bình Thạnh giao nền tái định cư tại lô 13 – 14 như đã cam kết với người dân. Câu hỏi đặt ra, Thủ tướng Chính phủ đã giao Cty TNXP tái định cư cho dân ở lô 13 – 14. Vì lý do gì mà suốt 10 năm qua, khu đất lô 13 – 14 vẫn không được tái định cư cho người dân? Hơn thế, chủ đầu tư DA còn nhập nhèm tiếp tục thu hồi đất giai đoạn 2, gây thêm bao khốn khổ cho những hộ dân khác bị vướng trong vòng quy hoạch.

Cafeland.vn - Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland