Những nông dân bị “treo”
Biết có nhà báo về, hàng chục bà con xã Tân Kim, nơi có Khu công nghiệp (KCN) Tân Kim trên địa bàn huyện Cần Giuộc kéo đến “tố khổ”. Bà Phạm Thị Chài ở ấp Kim Điền bức xúc: Nhà bà có 6 nhân khẩu với khoảng 7.000m2 đất lúa 2 vụ đang làm ăn “ngon lành” thì năm 2001 chính quyền huyện, xã xuống kê biên toàn bộ nhà cửa, hoa màu để làm KCN. Tuy nhiên, kê biên xong thì “để đó”, mãi 3 năm sau mới tống đạt bản chiết tính bồi thường nhưng lại bảo đấy là… quyết định thu hồi đất(?), trong khi đơn giá bồi thường và bố trí tái định cư chưa thoả đáng… “Họ họp tới họp lui cho đến tận bây giờ vẫn “ngâm” đó. Nhà cửa sắp sập nhưng xin xây không được. Còn ruộng nhiễm phèn lúa chết, đường tháng 7, tháng 8 nước ngập không đi được… Khổ ơi là khổ, chúng tôi phải đi làm mướn kiếm ăn!”. Ông Phan Hoàng Dân có 500m2 đất thổ cư và 1.000m2 đất ruộng cha mẹ cho từ những năm 90 thế kỉ trước, đã làm nhà nhưng xin tách hộ để 2 con lập gia đình ra ở riêng, song chính quyền không cho. Vì thế, “chúng phải lưu lạc, thuê nhà trên thành phố”. Cũng theo ông Dân, do quy hoạch KCN nên căn nhà của ông “không làm được giấy tờ” (nhưng lại có địa chỉ và cho nhập hộ khẩu)…
“Bờ xôi, ruộng mật” đang trở thành đất chết…Ảnh P.Uyên
Thê thảm hơn phải kể đến các hộ Mai Thị Khá, Mai Thị Hên, Mai Tấn Nũa, Mai Văn Y, Mai Văn Bẩu… do KCN Tân Kim lấp đất “bủa vây” xung quanh nên toàn bộ ruộng vườn bị ngập úng, không thể trồng cấy đã 7 – 8 năm nay, “mặc cho chúng tôi đã bao lần kêu lên chính quyền nhưng không giải quyết”.
Không chỉ “mất trắng” ruộng vườn, nhà cửa của họ cũng xuống cấp, hư hỏng nặng. “Năm 2012, khi nhà liêu xiêu sắp sập tôi xin sửa nhưng không cho, đến năm 2013 mưa to nhà sập thì xã mới xuống hỗ trợ 2 triệu đồng!” – ông Mai Thanh Sang cho biết.
Nhà đầu tư “buông”, chính quyền “treo” tiếp?
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 50 hộ tại ấp Kim Điền, ấp Tân Xuân bị “treo” gần chục năm nay, khiến cuộc sống từ vật chất đến tinh thần, của hàng trăm con người lâm vào cảnh khốn đốn, bí bách; không ít người phải tứ tán, cuốc mướn, làm thuê… Thậm chí, nhiều hộ còn bị Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện ra thông báo: “Ngưng mọi hoạt động sản xuất và thu hoạch hoa màu, cây trồng”! Tuy nhiên, theo người dân, đang trong lúc bị “giam”, cách đây mấy tháng chính quyền mời họ lên, tuyên bố: “Nhà đầu tư không lấy đất nữa”, khiến những “bị can” của “bản án treo” vỡ òa sung sướng. Song, niềm vui hiếm hoi ấy, ngay lập tức, bị “triệt tiêu”. “Nhà đầu tư không lấy thì… chính quyền lấy”(?).
Vậy, dự án đang “hành” dân ở đây là gì? Đó là KCN và Tái định cư Tân Kim. KCN này chỉ được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương đầu tư vào ngày 12/5/2003 (Văn bản 599/CP – CN) và 2 tháng sau được Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch chi tiết. Thế mà, năm 2001 chính quyền đã tiến hành kê biên tài sản của dân, để vài năm sau mới có quyết định thu hồi đất (nhưng người dân lại khẳng định họ không hề thấy quyết định này)! Theo UBND tỉnh Long An, KCN Tân Kim đã đi vào hoạt động (cũng được vài năm), thu hút tới 18 doanh nghiệp vào đầu tư… Vậy, tại sao cho đến nay vẫn còn gần 40 hộ dân với cả chục héc-ta ngay trong “vùng lõi” KCN đang bị “hoang phế”? Tại sao quy hoạch KCN Tân Kim đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rộng hơn 100ha và nếu như phản ánh của bà con nông dân là đúng (cán bộ nói: Nhà đầu tư không cần đất nữa) thì tại sao chính quyền không “giải phóng” mà còn tiếp tục “treo” đất của dân?
-
Gần 130 dự án tại Hải Dương chậm tiến độ
Theo kết quả rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, toàn tỉnh có 127 dự án ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ.
-
Siêu dự án của Sông Hồng Thủ Đô tại Vĩnh Phúc lọt danh sách chậm tiến độ
Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô có hai dự án chậm tiến độ gồm Khu dịch vụ Bắc Đầm Vạc (8/2018-2/2021) và Khu đô thị sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc (tiến độ 2010-2015).
-
Dự án của Flamingo, Sông Hồng Thủ đô tại Vĩnh Phúc lọt danh sách dự án chậm tiến độ
Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã công bố danh sách 20 dự án nhà ở, đô thị chậm tiến độ trên địa bàn. Nổi bật có những dự án liên quan đến các doanh nghiệp tên tuổi như Flamingo, Sông Hồng Thủ đô, Vinaconex…...