Đầu tháng 9/2011, phóng viên tìm về núi đầu Voi, thuộc xã Tiên An, huyện Tiên Phước, Quảng Nam tìm hiểu: Phương án phê duyệt, ở núi đầu Voi thuộc thôn 1 và 2, xã Tiên An có 220 hộ dân vùng sạt lở cần được di dời, được chia ra làm hai giai đoạn với số tiền trên 40 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1 có 60 hộ thuộc diện di dời khẩn cấp. Sau khi lên kế hoạch, đến ngày 19/10/2007, ông Lê Minh Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ra Quyết định số 3313/QĐ-UBND đầu tư xây dựng khu TĐC núi đầu Voi giai đoạn 1 với số tiền gần 10,5 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 đã hoàn thành theo dự kiến, nhưng từ năm 2009 đến nay, khu TĐC mới này chỉ có 17/60 hộ sinh đang sống, còn các hộ còn lại chưa chịu di dời sang nơi ở mớid ù phần lớn họ ý thức rất rõ mối nguy hiểm luôn rình rập do sạt lở núi mỗi khi có mưa bão. Nguyên nhân do người dân không chịu di dời là khu TĐC không có đất sản xuất, không có nước sinh hoạt, tiền hỗ trợ xây nhà quá ít, chỉ có 10 triệu đồng, khó có thể xây được một căn nhà kiên cố, trong khi đó chỗ ở nơi cũ (núi đầu Voi - PV) lại có nhà kiên cố, có đất sản xuất.
Rất nhiều nhà ở khu TĐC núi đầu Voi được xây dựng rồi bỏ không để cho... bò ở .
Ông Nguyễn Phúc Ánh, Thôn trưởng thôn 2, xã Tiên An (hiện ông Ánh vẫn chưa chịu di dời nhà ra khỏi vùng nguy hiểm) cho biết nguyên nhân: “Không phải chúng tôi không muốn di dời, cái chính là hoàn cảnh bà con khó khăn quá, số tiền hỗ trợ 10 triệu không đủ tiền để xây dựng nhà mới. Muốn làm nhà mới nơi TĐC cần phải trên 50 triệu đồng. Gia đình tôi làm mấy sào ruộng, cộng với vườn dó và quế giỏi lắm cũng đủ ăn và lo cho các con ăn học, lấy tiền đâu làm nhà mới, trong khi đó, nhà xây đang ở rất kiên cố. Còn qua bên kia thì không có đất sản xuất, không lẽ ngày nào cũng vượt 4km để về lại bên cũ này để làm ruộng, việc di dời dân không hợp lý chút nào” - Ông Ánh nói.
Tại khu TĐC, bà Lê Thị Bông (59 tuổi) cho biết: “Ở đây không có trạm y tế, đau ốm không biết đi đâu. Sống kiểu này chắc chuyển về lại nhà cũ quá”.
Huyện quản lý lơ là
Trao đổi với ông Phùng Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, Quảng Nam về việc khu TĐC rộng mấy chục hécta, hiện có 17 hộ dân sinh sống, dù ở đây tránh được nguy hiểm, nhưng việc sản xuất và sinh hoạt của bà con gặp nhiều khó khăn; người dân dù có khu tái định cư, nhưng đóng cửa nhà quay lại nơi ở cũ cách đó chừng 4km để sản xuất,... Ông Huy khẳng định, hiện khu TĐC có 60 hộ dân nằm trong diện di dời khẩn cấp đang sinh sống chứ không phải là 17 hộ dân như chúng tôi đề cập. Nhưng khi chúng tôi đưa hình ảnh nhà của các hộ dân “then cài chốt, cỏ mọc um tùm, không những thế còn để cho “bò” trú ẩn”, thì ông Huy mới nói: “Nếu có trường hợp như vậy thì chúng tôi sẽ “cưỡng chế” đưa người dân về khu TĐC mới trước mùa mưa bão năm nay”.
Đầu tư xây dựng khu TĐC di dời các hộ dân đang ở trong khu vực lở núi nguy hiểm là một việc rất đáng làm, tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần có sự quan tâm sâu sát tới quyền lợi và nhu cầu thực tế của người dân để dự án khi thực hiện kèm theo các điều kiện tối thiểu như điện, đường, trường, trạm, đất sản xuất thì người dân mới yên tâm sinh sống tại nơi tái định cư.