Làm việc với Tổng cục Kho bạc Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng đầu tư Châu Âu về đánh giá dự án metro số 3, tuyến Ga Hà Nội - Nhổn, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trong gói thầu CP 06 có hạng mục sản xuất 40 toa xe. Hiện nay giá các toa xe này cao hơn từ 1,6 đến 2 lần giá chung của các tuyến metro ở Việt Nam và các nước trong khu vực, làm đội giá thêm gần 1.000 tỷ đồng.
Khẳng định luôn dành nguồn vốn ưu đãi cho dự án này, đại diện nhà tài trợ ADB - ông Norio Saito cho biết, đến nay lũy kế giải ngân ODA cho dự án đạt 113, 25 triệu Euro/899 triệu Euro. Tuy nhiên, ông Norio Saito cũng cho rằng, để đảm bảo tiến độ dự án cần đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, di dời công trình ngầm - nổi, muốn làm được điều đó rất cần sự vào cuộc quyết liệt của TP và các sở ngành. Các nhà tài trợ cũng đề nghị không điều chỉnh thiết kế của Ga số 12 vì nếu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến tiến độ toàn dự án.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2016, TP đã rà soát và thay thế Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội bằng người có năng lực, kinh nghiệm trong việc quản lý các dự án giao thông. Nhờ đó, các công việc được triển khai nhanh chóng, khoa học, đúng quy trình.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định đã ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện thành lập các Ban giải phóng mặt bằng nên tiến độ sẽ nhanh hơn và đã yêu cầu hoàn thành GPMB đến đâu đủ điều kiện sẽ tiến hành thi công ngay.
“Vừa rồi TP đã triển khai cách làm này ở công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long với 800 hộ dân. Sau 4 tháng đã giải phóng mặt bằng được 40%” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội dẫn chứng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, lãnh đạo TP xác định gói thầu CP 06 là đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến tiến độ các gói thầu khác. Với tinh thần cầu thị, TP đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đường sắt làm việc với nhà thầu để thống nhất, sớm ký kết thực hiện gói thầu này. Kết quả thương thảo mới nhất đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan để ký kết gói thầu này trong thời gian sớm nhất.
“Chúng ta cần xem xét kỹ vấn đề này bởi đầu tư công phải rất thận trọng. Nếu dự án không hiệu quả chúng tôi sẽ phải chịu trách nhiệm với nhân dân. Tôi mong muốn các nhà tài trợ ủng hộ phương án chậm nhưng chắc chắn hiệu quả”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 10540/VPCP-QHQT về sửa đổi Thỏa ước tín dụng Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tích cực đàm phán với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), đảm bảo thời hạn rót số tiền còn lại của Dự án trước ngày 31/12/2016, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm về các chi phí phát sinh từ việc rút vốn một lần về tài khoản Dự án và các chi phí phát sinh trong trường hợp Dự án không giải ngân được trước ngày 31/12/2017 hoặc giải trình chứng từ được trước ngày 30/6/2018 (trường hợp đạt được thỏa thuận với AFD về các điều kiện tài chính như đã nêu ở trên).
Tuấn Ngọc (Pháp luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.