10/06/2014 2:25 PM
Nhà cửa xuống cấp, xập xệ và hư hỏng nhưng không được xây mới hay sửa chữa; môi trường càng ngày càng ô nhiễm nhưng người dân vẫn phải chấp nhận sống suốt 5-6 năm nay mà không thể thay đổi gì hơn do vướng quy hoạch treo. Đó là tình cảnh chung của các hộ dân ở ấp Phước Hòa, xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Dự án đã hủy nhưng quy hoạch vẫn chưa xóa

Trước đó, từ ngày 2-1-2009, UBND huyện Cần Giuộc đưa khu đất 10ha tại ấp Phước Hòa vào quy hoạch với tên gọi khu tái định cư, do Công ty CP Tân Phú Thịnh làm chủ đầu tư. Tuy nhiên đến ngày 10-10-2013 UBND tỉnh Long An ra quyết định chấm dứt thực hiện DA này do chậm tiến độ, chủ đầu tư chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng và các thủ tục cần thiết để triển khai.

Như vậy sau 5 năm sống trong vùng quy hoạch, nhà cửa, đất đai của hàng chục hộ dân nơi đây không được bồi đắp, triều cường tăng cao, nước mặn do gần khu vực sông đã làm hư hại nghiêm trọng. Nhu cầu sửa chữa, xây mới là chính đáng và hợp pháp nhưng chính quyền địa phương lại phán rằng: “Không cấp phép sửa chữa, xây dựng nếu không có giấy cam kết tự phá dỡ công trình và không yêu cầu hỗ trợ bồi thường khi nhà nước thực hiện quy hoạch”. Dự án tái định cư đã xóa bỏ, nhưng khu vực này thuộc diện quy hoạch vùng vẫn cứ bị “treo” ở đó. Điệp khúc mỏi mòn chờ đợi nhà đầu tư có đủ “năng lực” thực hiện DA không biết đến bao giờ mới có hồi kết?

Bà Nguyễn T.H.M (ấp Phước Thuận, xã Trường Bình) chia sẻ: “Mong mỏi của chúng tôi hoặc là quy hoạch ngay hoặc cho chúng tôi có quyền làm chủ hợp pháp mảnh đất của mình, được cất nhà kiên cố để thoát khỏi cảnh sống tạm bợ suốt nhiều năm qua”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Cần Giuộc - cho biết: “Khu này đã chấm dứt DA, thông báo hủy quyết định thu hồi đất nhưng vẫn nằm trong quy hoạch vùng dân cư thị trấn Cần Giuộc. Từ thời điểm công bố quy hoạch đến khi thực hiện hoặc xóa và điều chỉnh quy hoạch, người dân không được thay đổi hiện trạng sử dụng đất, không được chuyển đổi mục đích và xây dựng. Để có thể xây dựng nhà cửa nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết trước mắt, người dân phải làm cam kết tự tháo dỡ công trình và không yêu cầu bồi thường sau khi quy hoạch được công bố”.

Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đỗ Hiếu Trung cho biết: “Sẽ kêu gọi nhà đầu tư tiếp theo chứ không phải xóa hẳn quy hoạch. Đã hủy DA và quyết định thu hồi đất thì đất của người dân vẫn là của họ, nhưng quy hoạch không xóa nên việc cấp phép xây dựng nhà cửa chỉ là tạm thời”.

Thực tế đặt ra, các cơ quan quản lý cần có giải pháp tích cực nhằm chấm dứt tình trạng DA vẫn còn trên giấy! Thiết nghĩ các cấp chính quyền và đơn vị chức năng cần xem xét nguyện vọng chính đáng của người dân đang phải gồng mình sống trong cảnh “đi không được, ở cũng không xong” do vướng quy hoạch “treo” để họ ổn định cuộc sống.

* Bài được thay đổi theo CafeLand.

Phi Thanh (Công an TPHCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.