Được phê duyệt từ năm 2008, đến nay, sau gần 10 năm, dự án Công viên Vĩnh hằng (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) vẫn chưa hoàn tất GPMB.
Do đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ các dự án phát triển hạ tầng đô thị nên diện tích để mai táng cho người đã khuất tại xã Tân Lập cũng ngày một bị thu hẹp. Ghi nhận của phóng viên trong tháng 6/2017 cho thấy, dọc đường liên thôn Đan Hội - Hạnh Đàn, hàng trăm ngôi mộ nằm rải rác khắp cánh đồng lúa đang bước vào vụ thu hoạch.
Không chỉ khu vực nêu trên mà dọc đường 422 (tỉnh lộ 79 cũ), nhiều ngôi mộ được xây cất nằm san sát những khu dân cư đang ngày càng đông đúc. Ông Nguyễn Viết Đan - Trưởng thôn Đan Hội (xã Tân Lập) chia sẻ, không có nghĩa trang tập trung nên các hộ tiện đâu thì an táng đó. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới cảnh quan chung, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.
An táng tại xã Tân Lập vẫn thực hiện rải rác trên các cánh đồng.
Ông Nguyễn Hữu Quy - Chủ tịch UBND xã Tân Lập trăn trở: Do nằm trong quy hoạch đường Vành đai 4 nên địa phương không có quy hoạch xây dựng nghĩa trang tập trung. Trước nhu cầu thực tế và quy hoạch chung của địa phương, ngày 31/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã có Quyết định số 3237 phê duyệt Dự án Công viên Vĩnh hằng. Theo đó, Dự án sẽ thu hồi 18.048m2 đất nông nghiệp được giao theo Nghị định số 64/NĐ-CP của Chính phủ thuộc quyền sử dụng tạm thời của 57 hộ dân và đất do xã quản lý. Sau khi tỉnh Hà Tây (cũ) hợp nhất với Thủ đô Hà Nội, quyết định nêu trên vẫn còn nguyên hiệu lực thi hành. Dù vậy, việc triển khai dự án hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác GPMB.
Theo báo cáo tiến độ công tác GPMB của UBND xã Tân Lập, đến giữa năm 2014, đã có 41 hộ chấp thuận phương án đền bù, hỗ trợ GPMB. Trong khi 16 hộ còn lại thuộc cụm 10 (xã Tân Lập) với tổng diện tích đất nông nghiệp đang sản xuất trên 4.500m2 vẫn chưa đồng thuận. Trong số 16 hộ chưa chấp thuận, 10 hộ không được hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm, do đã nhận đủ hạn mức đất ở và đất dịch vụ. Còn lại 6 hộ được cấp diện tích đất ở, đất dịch vụ theo quy định pháp luật. Đối với 6 hộ này, địa phương cũng đã bố trí sẵn quỹ đất để triển khai sau khi các hộ chấp thuận.
Dù vậy, đã gần 3 năm kể từ khi hộ dân thứ 41 nhận tiền đền bù, hỗ trợ GPMB đến nay, vẫn chưa có thêm bất cứ gia đình nào trong số 16 hộ dân nêu trên đồng tình với phương án được UBND xã Tân Lập đưa ra. Theo ông Nguyễn Hữu Quy, kinh phí để triển khai thực hiện dự án Công viên Vĩnh hằng đã có từ lâu, và hiện địa phương chỉ còn chờ có mặt bằng “sạch” để xây dựng.
Liên quan tới giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB cho dự án nêu trên, ông Nguyễn Hữu Quy cho biết: Địa phương vẫn đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân! Câu trả lời này không đủ thuyết phục đối với nhiều người. Bởi khoảng thời gian kể từ khi dự án được phê duyệt đến nay đã ngót nghét gần 10 năm.
Công tác GPMB gần như không có chuyển biến, trong 3 năm qua, chưa có thêm bất cứ hộ dân nào chấp thuận nhận tiền đền bù, hỗ trợ GPMB. Và trong khi công tác tuyên truyền, vận động của địa phương chưa cho thấy những tín hiệu lạc quan, tích cực, thì các hộ dân ở xã Tân Lập vẫn phải tiếp tục ngậm ngùi an táng người thân khi về chốn vĩnh hằng tại những cánh đồng mà chưa biết đến lúc nào mới có thể "an cư" tập trung (!).
Lâm Nguyễn (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.