Trong khi bảy hộ khác đã chấp nhận phương án bồi thường và tự chuyển đi chỗ ở mới thì vẫn còn hai hộ "án binh bất động". Trong hai hộ này, một hộ là nhà của nguyên chủ tịch huyện, hộ kia là vợ nguyên bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Khu vực đất có hai hộ dân chưa đồng ý di dời tại dự án xây dựng công viên Trần Hưng Đạo - Ảnh: C.Thành
Theo UBND TP Đà Lạt, dự án công viên Trần Hưng Đạo chỉ tính riêng khu vực số 5 (đường Trần Hưng Đạo, P.3) TP đã lên kế hoạch đền bù, tái định cư cho chín hộ gia đình với tổng số tiền phê duyệt trên 37 tỉ đồng.
Từ cuối năm 2013 đã có bảy hộ dân nhận tiền bồi thường và di dời tới nơi tái định cư TP bố trí. Hiện chỉ còn hai hộ dân là ông Chu Đình Quỹ (nguyên chủ tịch huyện Lâm Hà) và bà Huỳnh Thị Tỉ (vợ cố bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng) chưa bàn giao mặt bằng và tiếp tục có đơn khiếu nại.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Đông (vợ ông Quỹ) cho biết gia đình bà không đồng ý nhận tiền bồi thường và tiếp tục có đơn khiếu nại do TP thu hồi đất chưa đúng.
Theo bà Đông, miếng đất 667m2 của gia đình bà hình thành trước năm 1980, khi đền bù phải căn cứ giải quyết theo điều 103 Luật đất đai năm 2013.
Tuy nhiên, TP áp giá đền bù diện tích đất ngoài phạm vi hóa giá nhà là 166,92m2 và 300m2 đất ngoài phạm vi đất ở, tính theo đơn giá đất sản xuất nông nghiệp gây thiệt hại lớn cho gia đình.
Trong đơn khiếu nại, hộ bà Đông cũng thắc mắc khi công khai dự thảo chi tiết phương án bồi thường, TP không mời gia đình bà là người có đất bị thu hồi ký xác nhận biên bản niêm yết.
Hộ bà Tỉ trong đơn khiếu nại cho rằng không được mời họp, lấy ý kiến thời điểm TP thực hiện áp giá bồi thường.
Theo bà Tỉ, 96m2 đất của gia đình được tạo lập trước năm 1980 là đất làm thương mại, dịch vụ nhưng TP áp giá bồi hoàn theo giá đất nông nghiệp là không thỏa đáng.
Ông Tôn Thiện San - phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt - thừa nhận việc giải phóng mặt bằng chậm đã ít nhiều làm ảnh hưởng tới mỹ quan chung cũng như tiến độ của dự án. Hiện diện tích chưa giải tỏa nằm ở vị trí giáp ngã tư đường Trần Hưng Đạo - Trần Phú - Hồ Tùng Mậu - Ba Tháng Tư, là cửa ngõ vào trung tâm TP nên về mặt cảm quan người dân nhìn vào có cảm giác khá nhếch nhác.
Tuy nhiên, ông San cho rằng việc dư luận nghĩ dự án chậm tiến độ do hai hộ dân chưa di dời là không có cơ sở. “Việc lên phương án đền bù chi tiết phải căn cứ trên giấy tờ, nguồn gốc đất của từng hộ gia đình để giải quyết.
Trường hợp hộ ông Quỹ và bà Tỉ, TP xử lý theo đúng quy định giải tỏa chung và không ngoại lệ với bất cứ cá nhân nào” - ông San nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong số bảy hộ gia đình nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng trước đó cũng có các cá nhân là quan chức về hưu, còn đương chức ở các ban, sở thuộc tỉnh Lâm Đồng, không riêng gì hai hộ còn lại.
Theo ông San, mấu chốt vấn đề việc đền bù giải tỏa kéo dài là do ông Chu Đình Quỹ và bà Nguyễn Thị Đông thời gian đầu không chịu hợp tác với các ban ngành Đà Lạt.
Tới tháng 6-2015 gia đình ông Quỹ mới đồng ý để Trung tâm Quỹ đất Đà Lạt kiểm định bổ sung (trước đây đã kiểm định vắng mặt do gia đình không hợp tác) và có phương án bồi thường, hỗ trợ trên 7,1 tỉ đồng và bố trí hai lô đất tái định cư.
Riêng việc bà Đông và bà Tỉ có khiếu nại với nội dung chung yêu cầu TP phải đền bù toàn bộ diện tích đất gia đình sở hữu với giá đất ở là hoàn toàn không có cơ sở giải quyết. Ngoài ra, các giấy tờ, biên bản mời họp, niêm yết công khai TP đều làm đầy đủ.
“Việc xác định đất ở hay đất nằm ngoài phạm vi hóa giá chúng tôi đã xác định rất chi tiết, rõ ràng căn cứ theo giấy tờ người dân có để áp giá đền bù, hỗ trợ. Trường hợp không đồng tình phương án của TP, hai hộ có quyền khiếu nại lên cấp cao hơn là UBND tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, quan điểm của TP sẽ tiếp tục đối thoại, giải thích đầy đủ theo trình tự quy định nhưng nếu hai hộ dân trên vẫn không hợp tác, chúng tôi sẽ cương quyết cưỡng chế giải tỏa theo quy định” - ông San nói.
Công trình công cộng trọng điểm Theo UBND TP Đà Lạt, năm 2009 UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định thu hồi trụ sở Văn phòng UBND TP Đà Lạt cùng một số đơn vị hành chính khác để xây dựng trụ sở Văn phòng đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh. Trong đó diện tích cần thu hồi bao gồm chín hộ dân nằm tại khu vực số 5, đường Trần Hưng Đạo. Tới tháng 3-2013, do bố trí được đất xây dựng Văn phòng HĐND tại vị trí thích hợp khác nên UBND tỉnh Lâm Đồng chuyển dự án trên thành dự án xây dựng công viên Trần Hưng Đạo. Đây được coi là dự án công trình công cộng trọng điểm của Đà Lạt, vị trí xây dựng công viên là vị trí “đất vàng” của TP, đối diện với UBND tỉnh Lâm Đồng, sát khách sạn Palace và cách hồ Xuân Hương khoảng 700m, nằm ngay giao lộ ngã tư, cửa ngõ vào trung tâm Đà Lạt. |