Khách hàng dở khóc, dở mếu
Phản ánh của nhiều khách hàng mua nhà tại chung cư N03T1 (Xuân Đỉnh, Từ Liêm) cho biết, họ hết sức bất bình về "tiến độ rùa" của dự án. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Trung Kiên, ở Hoàng Quốc Việt, cho biết, hơn 2 năm chờ đợi, anh và gia đình không hề nhận được phản hồi nào từ phía chủ đầu tư về tiến độ và thời gian bàn giao căn hộ cho khách hàng. Trong hợp đồng đã ký, Công ty cổ phần Thi công cơ giới xây lắp ghi rất rõ, quý II-2011 sẽ hoàn thành việc thi công phần móng. Một năm sau (từ quý II-2011 đến quý II-2012) sẽ thi công phần thô và hoàn thiện từ quý I-2012 đến quý III-2013. Cuối quý III-2013 sẽ bàn giao nhà. Thế nhưng, từ đầu năm 2012 đến nay, dự án đã dừng thi công khi mới đổ bê tông sàn tầng 2, các cọc sắt ngoi lên đều đã hoen gỉ theo thời gian và cư dân không nhận được bất cứ lời giải thích nào từ phía chủ đầu tư (!?). Anh Kiên cho biết thêm, cũng vì bỏ tiền theo lời quảng cáo của chủ đầu tư mà đến nay, nhiều gia đình tiền mất, tật mang. Cụ thể, có gia đình đã bán nhà của mình đang ở để lấy tiền nộp cho chủ đầu tư, sau đó đi thuê nhà để ở đợi nhận bàn giao căn hộ theo như cam kết. Với tình trạng dự án "bất động" thế này thì không biết đến bao giờ họ mới thoát khỏi cảnh thuê trọ.
Một số hộ dân bức xúc: Vì lời quảng cáo hấp dẫn ban đầu, nên ngay khi mở bán qua sàn giao dịch (tháng 7-2011), có đến hơn 50% căn hộ của tòa nhà này đã được bán. Điều vô lý là trong hợp đồng ghi giá là 15,5 triệu đồng/m2 nhưng tất cả khách hàng mua qua sàn giao dịch đều phải trả tiền với mức chênh 10 đến 11 triệu đồng/m2. Và ngay khi ký hợp đồng, khách hàng đều phải hoàn thành 45% giá trị hợp đồng và 100% tiền chênh. Như vậy, mỗi một người mua nhà ở đây đều phải bỏ ra ít nhất gần 1 tỷ đồng góp vốn cho chủ đầu tư. Một khách hàng chua xót: "Trước khi mua nhà đã tìm hiểu rất kỹ, nghe ngóng tình hình tài chính của công ty, mọi thứ đều rất ổn nên mới hạ bút ký hợp đồng. Mua với nhu cầu để ở nên ai cũng mong muốn sớm được giao nhà, nhưng giờ thì hết hy vọng".
Chủ đầu tư né tránh?
Bức xúc về "giải pháp im lặng" của chủ đầu tư, nhiều khách hàng mua chung cư NO3T1 đã tập hợp nhau lại, thậm chí còn lập một hội cụ thể (Hội những người mua chung cư ngoại giao đoàn) trên mạng xã hội để sẻ chia thông tin về tiến độ dự án, chủ đầu tư. Sau nhiều lần điện thoại nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng, đại diện khách hàng đã tìm gặp ban lãnh đạo Công ty cổ phần Thi công cơ giới xây lắp, tại địa chỉ 2A, ngõ 85 Hạ Đình, quận Thanh Xuân. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty đều đi vắng (?). Chị Minh Đức, ở đường Giải Phóng, người mua nhà nói: "Chúng tôi đến xin gặp tổng giám đốc vài lần để hỏi tiến độ và cách xử lý như thế nào nhưng thấy cách chủ đầu tư tiếp dân như trò hề. Tiền mình bỏ ra, có phải đi xin họ đâu, mình phải được đối xử tử tế chứ, đằng này họ cứ cho nhân viên ra bảo "sếp" đi vắng, đi họp và rất nhiều lý do khác".
Tương tự, một khách hàng khác chia sẻ: "Tôi đã điện lên công ty nhiều lần và gặp anh Hùng, Chánh Văn phòng Công ty, đề nghị cho khách hàng được gặp tổng giám đốc. Anh Hùng nói là chiều sẽ điện lại sau khi sắp xếp xong lịch gặp với lãnh đạo. Khoảng 3h chiều tôi điện thoại nhiều lần, nhưng anh Hùng không nhấc máy. Sau đó đến khoảng 5h chiều anh Hùng có điện lại và báo là không sắp xếp gặp được lãnh đạo tuần này và sẽ bố trí tuần khác". Tôi đã thông báo cho anh Hùng thế này: "Nếu không sắp xếp được để khách hàng gặp giám đốc trong tuần sau, thứ ba tới (17-12-2013), khách hàng sẽ đến công ty chờ gặp giám đốc, nếu vẫn không gặp được, khách hàng sẽ đến nhà riêng để gặp".
Theo anh Nguyễn Trung Kiên, sau nhiều lần yêu cầu gặp gỡ, ngày 28-11-2013, phía khách hàng đã nhận được Thông báo số 414/TB-MCS.JC, ký ngày 22-11-2013, do ông Trần Hữu Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thi công cơ giới xây lắp, ký gửi. Theo đại diện chủ đầu tư, nguyên nhân chậm trễ là do các yếu tố "bất khả kháng" như: Thị trường bất động sản khó khăn, nợ xấu ngân hàng nên chủ đầu tư không vay vốn được, sức cầu bất động sản yếu. Theo chủ đầu tư, dự án với tổng mức đầu tư được duyệt là 511 tỷ đồng và đã xây xong sàn tầng 2 (trong tổng số 28 tầng) với tổng giá trị đã đầu tư, bao gồm cả tiền nhận chuyển nhượng đất đã có hạ tầng của dự án là 140 tỷ đồng. Công văn cũng khẳng định, công ty đã có kế hoạch tái khởi động dự án từ sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 và theo đó dự kiến thời gian bàn giao nhà sẽ vào năm 2016. Chủ đầu tư cũng hứa sẽ tiến hành ký kết Phụ lục hợp đồng với khách hàng trong đó thỏa thuận về thời gian bàn giao nhà theo tiến độ mới, những thỏa thuận bù đắp thiệt hại, tiến độ nộp tiền cho phù hợp… Thế nhưng, điều này không mang lại niềm tin cho các "thượng đế". Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, đây là cách né tránh của chủ đầu tư trong giai đoạn căng thẳng hiện nay.
Nghi ngờ về năng lực tài chính
Tìm hiểu sự việc, sáng 10-12, chúng tôi đã tìm đến Công ty cổ phần Thi công cơ giới xây lắp. Tổng Giám đốc Đậu Văn Diện đi vắng. Nhân viên văn phòng thông báo, Phó Tổng Giám đốc Trần Hữu Nam đã đi du lịch và đang làm thủ tục về hưu (!?). Khi chúng tôi trình Thẻ nhà báo, ông Nguyễn Việt Hùng, Chánh Văn phòng Công ty yêu cầu thêm giấy giới thiệu cơ quan mới được làm việc. Đầu giờ chiều 10-12, khi có đủ giấy tờ, chúng tôi mới được cung cấp thông tin từ phía công ty. Ông Hùng cho biết, Tổng Giám đốc Đậu Văn Diện bận dự lễ khởi công một dự án ở Xuân Đỉnh nên không có ở văn phòng. Trao đổi với PV, ông Hùng khẳng định, dự án sẽ được triển khai lại vào quý I-2014, bàn giao nhà vào quý I-2016 và nhấn mạnh, thời gian qua, việc chậm tiến độ là vì những lý do bất khả kháng bởi thị trường bất động sản - xây dựng đang ở thời điểm hết sức khó khăn.
Khi được hỏi về năng lực tài chính của công ty khi tiếp tục triển khai, ông Hùng nêu rõ, Công ty cổ phần Thi công cơ giới xây lắp vẫn là chủ đầu tư của dự án và ngoài số tiền khách hàng đóng góp, đến nay, công ty cũng đã bỏ ra 37 tỷ đồng chi phí vào hạng mục móng, đóng cọc… Và hiện tại, công ty đã làm việc với nhiều ngân hàng như Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SHB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) xin vay vốn. Đến nay, đã có Ngân hàng SHB hứa hẹn.
Tuy nhiên, cách lập luận và thông báo này không thuyết phục. Theo khách hàng, chỉ tính một bài toán đơn giản, với khoảng 50% căn hộ được bán, mỗi tầng có 10 căn trong tổng số 28 tầng của chung cư. Ít nhất khách hàng đã đóng góp được khoảng 130 tỷ đồng, như thế đã đủ cho phần xây dựng hiện nay. Vậy thì công ty khó khăn như thế nào trong giai đoạn vừa qua hay do năng lực tài chính của công ty không đủ sức đảm đương? Liệu người dân có nên đặt lòng tin một lẫn nữa vào phía chủ đầu tư trong khi họ đang hằng ngày phải đi thuê trọ chờ ngày bàn giao nhà? (Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này).