CafeLand - Tại phiên chất vấn chiều 4/6, nhiều đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ việc có hay không sự tác động của doanh nghiệp trong việc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch các khu đô thị theo hướng thu hẹp diện tích công cộng, tăng mật độ xây dựng nhà cao tầng có lợi cho chủ đầu tư.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (tỉnh An Giang) nêu vấn đề, rằng hiện nay việc điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết được điều chỉnh nhiều lần theo yêu cầu của doanh nghiệp, làm gia tăng nhà cao tầng, mật độ xây dựng không hợp lý, làm thay đổi công năng sử dụng đất, giảm quỹ đất phục vụ công cộng, nhu cầu thiết yếu của người dân.

Đại biểu Trần Văn Tiến (tỉnh Vĩnh Phúc) tiếp tục nêu câu hỏi việc thay đổi quy hoạch tùy tiện, nhiều lần theo hướng làm lợi cho nhà đầu tư mà thu hẹp lợi ích của dân cư gây ra những hệ lụy thế nào? Và việc thay đổi quy hoạch có sự tác động của chủ đầu tư hay không?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết chưa có thông tin về vấn đề này, nhưng cũng không loại trừ khả năng.

“Chúng tôi chưa có thông tin đầy đủ, cụ thể tên tuổi các nhà đầu tư về việc này. Nhưng một trong những nguyên nhân cũng có áp lực, yêu cầu của doanh nghiệp, chủ đầu tư”, ông Hà phát biểu.

Nhiều khu đô thị thay đổi quy hoạch, tăng mật độ xây dựng nhà cao tầng gây bức xúc cho người dân.

Trong đó, có doanh nghiệp xuất phát từ mong muốn phát triển kinh tế của địa phương và cũng có doanh nghiệp lợi dụng điều chỉnh quy hoạch để có những lợi nhuận bất hợp pháp.

Tư lệnh ngành xây dựng cũng thừa nhận việc thay đổi quy hoạch chi tiết gây ra nhiều hậu quả và khẳng định sẽ cùng các địa phương đưa ra các giải pháp cụ thể hơn dựa trên các quy định của pháp luật để xử lý hiệu quả tình trạng trên, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Bộ trưởng cho biết, sắp tới đây sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn việc điều chỉnh quy hoạch. Trong năm 2019-2020, bộ sẽ tiến hành thanh tra việc điều quy hoạch chi tiết, đặc biệt là ở các trung tâm đô thị lớn để xử lý dứt điểm vấn đề này.

Về quy hoạch công trình cao tầng khu vực nội đô, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đặt vấn đề hiện nay, theo quy định thì bốn khu vực nội thành cũ là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng chỉ cho phép xây tối đa công trình cao 9 tầng. Thế nhưng, đã có những công trình rất cao, lên đến mấy chục tầng. Luật Thủ đô và các quy định hiện hành có cho phép điều này không, trách nhiệm thuộc về ai?

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, việc xây dựng nhà cao tầng ở Hà Nội được quy định ở một số văn bản như văn bản định hướng về quy hoạch chung xây dựng thủ đô được Thủ tướng phê duyệt; quy chế quản lý kiến trúc của từng khu vực do UBND TP Hà Nội ban hành, quy định về chiều cao xây dựng ở khu vực nội đô cũng do UBND TP Hà Nội ban hành.

“Tình trạng các dự án xây vượt quá chiều cao cho phép nếu xảy ra trong thực tiễn là vi phạm những quy định của UBND TP Hà Nội. Đề nghị UBND TP. Hà Nội kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định tại các văn bản nêu trên”, ông Hà trả lời.

  • Điều chỉnh quy hoạch ngẫu hứng?

    Điều chỉnh quy hoạch ngẫu hứng?

    Nhiều dự án khu đô thị mới tại Hà Nội điều chỉnh quy hoạch cục bộ cả chục lần. Không ít dự án đô thị khi điều chỉnh quy hoạch lấy ý kiến người dân kiểu “phù phép” cho đủ thủ tục, đủ kiểu cắt xén hạ tầng nhằm tăng lợi nhuận của nhà đầu tư…

  • Thủ tướng yêu cầu xử lý việc vỡ quy hoạch tại khu đô thị Ciputra

    Thủ tướng yêu cầu xử lý việc vỡ quy hoạch tại khu đô thị Ciputra

    CafeLand - Văn phòng chính phủ vừa có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP. Hà Nội xem xét, xử lý việc vỡ quy hoạch tại Ciputra theo thẩm quyền.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.