01/09/2017 2:15 PM
Nhiều chuyên gia nhận định, dự án BT nếu có thất thoát sẽ là thất thoát kép. Thực tiễn triển khai nhiều dự án BT trước đây vẫn còn để lại nhiều hệ lụy, và đây là những bài học không được quên để triển khai dự án BT trong trào lưu hiện nay tại các đô thị lớn.
Đa số các dự án xin chỉ định thầu hoặc xin cơ chế đặc thù đều viện dẫn lý do là cấp bách. Ảnh: Tường Lâm
Trong đó, nguyên tắc lớn nhất được các chuyên gia khuyến cáo đó là phải đảm bảo cạnh tranh, minh bạch, hạn chế tối đa chỉ định thầu.
Chỉ định thầu – khởi nguồn cho nhiều hệ lụy
Một trong những nguyên nhân có thể coi là khởi nguồn cho những bất cập tại nhiều dự án BT đã thực hiện là do công tác lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh, hầu hết chỉ định thầu.
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, trong 15 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội chỉ có 1 dự án được lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu (có sơ tuyển), 14 dự án còn lại, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện thông qua hình thức chỉ định thầu.
Các dự án được kiểm tra khi trình xin chủ trương lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức chỉ định thầu đều có chung lý do cơ bản là do tính cấp bách, cấp thiết. Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội không thực hiện đúng quy trình, quy định và không có tài liệu chứng minh, làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách, cấp thiết khi chỉ định nhà đầu tư thực hiện các dự án này.
Và hệ quả là một số nhà đầu tư tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo năng lực. Nhà đầu tư yếu kém không đảm bảo theo tiến độ giải ngân cam kết. Hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng, làm phát sinh tăng chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ các mục tiêu cấp bách, kịp thời như chủ trương đề ra ban đầu, cũng là lý do để xin chỉ định thầu.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra thực trạng tương tự tại một số dự án đã thanh tra tại TP.HCM. Hầu hết chỉ định thầu, thậm chí bỏ qua cả bước công bố danh mục dự án. Đồng nghĩa việc thực hiện dự án vừa không cạnh tranh, vừa thiếu minh bạch.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc không kiến nghị, không xây dựng và công bố kế hoạch dự án hoặc có nhưng chậm và chỉ định thầu đã không phát huy được nguồn lực xã hội, làm giảm tính cạnh tranh giữa các nhà đầu tư và khó lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính và kinh nghiệm tốt nhất.
Bài học lớn: Đảm bảo cạnh tranh, minh bạch
Thanh tra Chính phủ chỉ ra thực trạng tương tự tại một số dự án đã thanh tra tại TP.HCM. Hầu hết chỉ định thầu, thậm chí bỏ qua cả bước công bố danh mục dự án.
Có thể thấy trong đa số các trường hợp xin chỉ định thầu, và gần đây xuất hiện thêm các trường hợp xin cơ chế đặc thù, đều viện dẫn lý do là cấp bách. Tuy nhiên, cần nhìn lại vấn đề thời gian trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thời gian trong lựa chọn nhà đầu tư theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là phù hợp với thông lệ quốc tế, thấp hơn nhiều so với thực tiễn triển khai trước đây và tương đương mức trung bình của các nước trên thế giới. Khung thời gian theo quy định tại Nghị định 30/2015/NĐ-CP gồm các khoảng thời gian tối thiểu dành cho phần chuẩn bị hồ sơ của nhà đầu tư và các khoảng thời gian tối đa cho phép dành cho phần công việc của cơ quan nhà nước.
Như vậy, việc rút ngắn thời gian trong lựa chọn nhà đầu tư phụ thuộc vào tính chất, quy mô đặc điểm của từng loại dự án, cũng như khả năng thực hiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu. Khung thời gian quy định tại Nghị định là tối đa cho các dự án kết cấu hạ tầng lớn, cần sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế.
Lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT từng phát biểu tại một cuộc hội thảo rằng, nhiều cơ quan thi nhau chỉ trích quy định thời gian chọn nhà đầu tư dài, xin chỉ định thầu để rút ngắn thời gian, để đảm bảo tính cấp bách, tiến độ thực hiện, nhưng bản chất là thích xin cho, thích chỉ định thầu. “Hậu quả của chỉ định thầu tràn lan hiện ra trước mắt rồi, kết cục rất cay đắng”, vị lãnh đạo này nhận xét.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều chuyên gia đều nhấn mạnh, dự án BT dùng quỹ đất, cũng chính là nguồn lực công, tài sản công, để thanh toán cho nhà đầu tư, nên cần quy trình quản lý chặt chẽ. Bà Nguyễn Thanh Hà, chuyên gia tư vấn độc lập về tài chính công, nhận định, BT là một hình thức PPP đặc biệt, vì thông thường dự án PPP là có chia sẻ rủi ro, hợp đồng dài hạn,… nhưng dự án BT gần như không có rủi ro, nhà đầu tư thực hiện dự án và được thanh toán ngay bằng quỹ đất. Bà Hà cho rằng, dự án BT dùng đất để thanh toán, cũng là một dự án đầu tư công, vì thế rất cần quản lý chặt chẽ và quan trọng nhất là đảm bảo đấu thầu cạnh tranh, minh bạch.
Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Việt Thắng (Báo đấu thầu)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.