30/11/2016 4:40 PM
Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) có thành tích về đích trước kế hoạch 1,5 năm, dư vốn hàng nghìn tỷ đồng. Tuy vậy, mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai sót tại dự án này.
Dự án nâng cấp QL14 có nhiều sai sót
Lập dự án cẩu thả, nhà đầu tư “phóng tay”
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư đối với dự án BOT mở rộng QL14 đoạn Pleiku (km 1610) - cầu 110 (km 1667+570) do Công ty Cổ phần BOT & BT Đức Long Gia Lai là doanh nghiệp đầu tư và dự án BOT mở rộng QL14 đoạn km 1793+600 - km 1824 do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng lắp đặt công trình Toàn Mỹ 14 (Công ty Toàn Mỹ 14) là doanh nghiệp đầu tư.
Theo Kiểm toán Nhà nước, điểm chung lớn nhất tại 2 dự án quan trọng này là việc xác lập một số chỉ tiêu quan trọng trong phương án tài chính có rất nhiều điểm không phù hợp, thậm chí là cẩu thả. Tại dự án do Đức Long Gia Lai đầu tư, việc xác định lưu lượng xe làm cơ sở tính toán các chỉ tiêu doanh thu thu phí dựa trên số liệu đếm xe được thực hiện vỏn vẹn trong 3 ngày tại 2 vị trí không mang tính điển hình cao để nội suy ra con số của cả năm. Trong khi đây là thông số quan trọng bậc nhất để lên phương án và xác định thời gian thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc nội suy như vậy là phiến diện, chưa sát thực tế. Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư sử dụng trong tính toán hoàn vốn của dự án bao gồm cả khoản thuế giá trị gia tăng đã được hoàn 191,5 tỷ đồng… là chưa phù hợp theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng. Kiểm toán Nhà nước thông tin, những sai sót này dẫn tới hệ quả trực tiếp là bài toán hoàn vốn không chính xác với thời gian hoàn vốn tạm tính tại hợp đồng BOT ký giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT là 20 năm 4 tháng 2 ngày (từ ngày 1-1-2016 đến hết ngày 2-5-2036).
Do đó, Kiểm toán Nhà nước đã rà soát các chỉ tiêu tính đến ngày 30-6-2016 để chạy lại phương án tài chính. Kết quả cho thấy, thời gian hoàn vốn dự án chỉ còn 13 năm 1 tháng 5 ngày (giảm 7 năm 2 tháng 27 ngày).
Đặc biệt, tại dự án này, đã xuất hiện tình trạng chi tiêu “xông xênh” bất thường, khi nhà đầu tư “phóng tay” huy động vốn vay tín dụng và nguồn vốn chủ sở hữu gần 4,5 tỷ đồng để mua ô tô… trái quy định. Nếu không bị Kiểm toán Nhà nước kiểm tra, chi phí mua ô tô của dự án này sẽ được tính cả vào phần kinh phí hoàn vốn và người phải trả các phí này chính là người dân lưu thông qua 2 trạm thu phí do Đức Long Gia Lai vận hành (km1610+800 và km 1667+470). Thậm chí, khoảng cách 2 trạm thu phí này chỉ cách nhau hơn 50km nhưng vẫn được tỉnh Gia Lai và Bộ GTVT chấp thuận.
Thời gian thu phí giảm mạnh
Dự án của Công ty Toàn Mỹ 14 làm doanh nghiệp đầu tư cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Kết quả rà soát, chạy lại phương án tài chính dựa trên các chỉ tiêu đầu vào cập nhật đến ngày 30-6-2016 do Kiểm toán Nhà nước thực hiện khiến nhiều người phải ngỡ ngàng khi thời gian hoàn vốn chỉ còn chưa tới 50% mức thời gian so với tính toán ban đầu.
Cụ thể, theo hợp đồng BOT tại dự án BOT mở rộng QL14 đoạn km 1793+600 đến km 1824, thời gian hoàn vốn được tạm tính là 21 năm 7 tháng 20 ngày. Tuy nhiên, theo kết quả Kiểm toán Nhà nước vừa công bố, thời gian thu phí hoàn vốn tại dự án này chỉ còn 9 năm 3 tháng 28 ngày, giảm so với phương án ban đầu là 12 năm 3 tháng 22 ngày. Đây được xem là mức giảm thời gian thu phí lớn nhất tại các dự án BOT trên QL1 và QL14 đã được các cơ quan Nhà nước thanh tra, kiểm tra.
Liên quan đến cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước đối với các dự án BOT nói chung và 2 dự án này nói riêng, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc xác định lợi nhuận cho nhà đầu tư còn những kẽ hở lớn, căn cứ xác định lợi nhuận nhà đầu tư BOT mang nặng định tính.
Được biết, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Bộ GTVT rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu có sai lệch giữa thực tế phát sinh và phương án tài chính trong hợp đồng BOT khi chấp thuận báo cáo quyết toán giá trị hợp đồng.
Kiểm toán Nhà nước lưu ý, khi xác định lại thời gian hoàn vốn của dự án, phải xem xét, đánh giá khả năng chi trả của các đối tượng tham gia giao thông trên tuyến đường để xác định mức thu phí phù hợp. Đồng thời, Bộ cần chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng phần mềm giám sát, quản lý thu phí trực tuyến. Trong đó, tất cả các dữ liệu của trạm BOT sẽ được truyền về máy chủ để cơ quan chức năng quản lý được tình trạng hoạt động của các trạm.
Ngân Tuyền (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.