04/11/2017 9:22 AM
Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vừa tái triển khai sau 2 năm không thu xếp được vốn, nay lại đứng trước nguy cơ tạm dừng vì chính sách thay đổi.
Chủ đầu tư kiến nghị 2 phương án
Là một trong hai đoạn tuyến còn lại của Hành lang kinh tế giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Hải Phòng - Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Nam Ninh), Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được khởi công từ tháng 10/2015, do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư UDIC, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty cổ phần Đầu tư 468, Công ty cổ phần Giao thông xây dựng số 1 và Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, do các nhà đầu tư cũ không thu xếp được nguồn vốn và một số nguyên nhân khác, Dự án đã không thể triển khai, chậm tiến độ gần 2 năm. Bước ngoặt của Dự án chỉ đến khi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chấp thuận phương án tái cơ cấu của UDIC, với sự tham gia của nhóm nhà đầu tư trong Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hải Thạch.
Ngay sau khi tiếp nhận Dự án, chủ đầu tư mới đã thu xếp nguồn vốn, lựa chọn các nhà thầu và đẩy nhanh tiến độ triển khai nhằm hoàn thành dự án vào cuối năm 2019.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Phúc Tự, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, sự thay đổi của chính sách đã khiến Công ty đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Cụ thể, ngày 21/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14, trong đó quy định: “Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện nay”.
Ông Tự bày tỏ băn khoăn, không rõ quy định trên có áp dụng cho các dự án đã được nhà đầu tư ký kết hợp đồng BOT với Bộ GTVT hay không?
Ông Tự cho biết, Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn triển khai hai hợp phần, gồm cải tạo Quốc lộ 1 và xây dựng mới đường cao tốc. Công ty đã gần như hoàn thành việc cải tạo Quốc lộ 1 và đang xây dựng trạm thu phí; hợp phần cao tốc cũng đang gấp rút triển khai thi công.
Nếu không được đặt trạm thu phí cải tạo Quốc lộ 1 theo phương án đã được phê duyệt, thì phương án tài chính bị đảo lộn, làm triệt tiêu khả năng thu hồi vốn; còn nếu tiếp tục thu phí Quốc lộ 1, thì trái với quy định trên.
“Nếu không làm rõ vấn đề này và thông báo rộng rãi cho người dân, Công ty lo ngại sẽ xảy ra hiện tượng người dân phản ứng như một số trạm thu phí BOT khác trên Quốc lộ 1 vừa qua, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến khả năng hoàn vốn để trả nợ ngân hàng”, ông Tự nói.
Trước thực trạng trên, ông Tự cho biết, trong trường hợp Dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 437/NQ - UBTVQH14, phía Công ty đề xuất các cơ quan chức năng 2 phương án để Dự án tiếp tục được triển khai.
Theo đó, phương án thứ nhất, ngân sách nhà nước hoàn trả phần vốn đã đầu tư hợp phần Quốc lộ 1 và Công ty chỉ thu phí trên tuyến cao tốc. Phương án thứ hai, nếu ngân sách nhà nước không hoàn trả phần vốn đầu tư Quốc lộ 1, thì cho phép chủ đầu tư được nghiên cứu đầu tư tiếp đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và thu phí kín trên toàn bộ tuyến cao tốc.
Nếu cả hai phương án trên không được chấp thuận, chủ đầu tư bắt buộc phải tạm dừng thực hiện Dự án để chờ chỉ đạo của Chính phủ.
Chủ đầu tư đang cùng với chính quyền tỉnh Lạng Sơn làm việc với Bộ GTVT để báo cáo Chính phủ và Quốc hội tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật đồng thời tạo hiệu quả đầu tư cho Dự án.
Nhiều dự án cùng cảnh ngộ
Hiện có không ít nhà đầu tư BOT đường bộ cũng lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan và có thể bị phá sản do không được đặt trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án đã triển khai.
Mới đây, ngày 28/10, Liên danh Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc cũng đã có đơn khẩn cầu gửi Bộ GTVT để được thực hiện thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ hoàn vốn cho Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 (đoạn km 75 - km 100) theo hình thức BOT.
Tương tự như Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, dự án này cũng gồm 2 hợp phần, cải tạo đường quốc lộ cũ và xây mới đường cao tốc. Dự án thông xe kỹ thuật vào tháng 3/2017 và đã được Hội đồng Nghiệm thu của Bộ GTVT đồng ý nghiệm thu đưa vào khác thác sử dụng từ ngày 18/5/2017.
Hiện tại, Dự án chưa thể tiến hành thu phí để hoàn vốn do chưa thống nhất được việc đặt trạm thu phí khiến chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Tính từ tháng 1/2017 đến nay, chi phí phát sinh trả lãi cho ngân hàng, duy trì hoạt động của Công ty BOT và chi phí bảo dưỡng thường xuyên là trên 160 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo quy định tại hợp đồng, bắt đầu từ tháng 11/2017 nhà đầu tư phải trả nợ gốc cho ngân hàng.
Để doanh nghiệp dự án không bị phá sản, liên danh nhà đầu tư đề nghị Bộ GTVT chấp thuận áp dụng theo phương án giảm giá thu phí đã được nhà đầu tư thống nhất với địa phương. Bên cạnh đó xem xét đề xuất của địa phương về việc đầu tư bổ sung các hạng mục ngoài phạm vi dự án đã được duyệt.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều nhà đầu tư BOT cho rằng, điều đáng lo nhất đối với họ là sự thiếu nhất quán của luật pháp, trong khi thiếu chế tài đảm bảo áp dụng nguyên tắc không hồi tố khi có sự thay đổi của pháp luật, làm đảo lộn các tính toán ban đầu về tính khả thi và hiệu quả đầu tư của dự án, gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Anh Trung (Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.