Dù đã được chủ đầu tư ưu ái "bơm" vốn, nhưng nhà thầu đã chậm thi công dự án bệnh viện 700 giường tại tỉnh Nam Định nhiều năm khiến dư luận bức xúc.
Dự án bệnh viện 700 gường ở Nam Định bị chậm tiến độ nhiều năm
Theo hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư là UBND tỉnh Nam Định và Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) và Công ty cổ phần xây dựng 504 - VINACONEX, việc xây dựng bệnh viện 700 giường của tỉnh Nam Định (có tổng mức đầu tư 850 tỉ, khởi công tháng 11.2007) dự kiến hoàn thành vào tháng 1.2011. Tuy nhiên, sau 10 năm, đến nay, dự án này vẫn chỉ là những khung nhà bê tông phơi mưa nắng với sắt thép hoen gỉ, cỏ mọc um tùm giữa khu cánh đồng ven QL10, thuộc xã Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc, Nam Định).
Đáng chú ý, dù tỉnh Nam Định đã có ưu ái lớn về vốn, nhưng nhà thầu thi công chính là UDIC vẫn không hoàn thành tiến độ. Cụ thể, theo quy định, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đầu tư cho các công trình cấp bách hoặc dự án quốc gia, nhưng từ năm 2010, UBND tỉnh Nam Định đã ứng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010, thậm chí ứng cả vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011 để chuyển cho UDIC 124,8 tỉ đồng trong tổng giá trị hợp đồng là 197,5 tỉ đồng. Trong đó, gói thầu BVH1 được ứng 26,453 tỉ đồng (tương đương 91% giá trị hợp đồng), gói thầu BVH2 được ứng 94,1 tỉ đồng (tương đương 87,4% giá trị hợp đồng) và gói thầu BVH4 được ứng 4,1 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, UDIC tổ chức thi công rất chậm chạp. Sau nhiều lần bị UBND tỉnh Nam Định và Bộ KH-ĐT đôn đốc, thanh tra, gia hạn, đến tháng 4.2014, công trình vẫn chưa hoàn thành khối lượng công việc tương ứng với số tiền đã nhận. Cụ thể, kết luận thanh tra thời điểm này cho thấy, UDIC mới thi công được khối lượng công việc có tổng trị giá 22,1 tỉ đồng. Ngay sau khi bị thanh tra, UDIC đã dừng thi công và sau đó gần như không làm gì cho đến nay.
Tiếp tục chậm tiến độ?
Theo người dân sống gần dự án, mỗi khi có công văn đôn đốc của UBND tỉnh hay có đoàn thanh tra, kiểm tra thì mới thấy UDIC đưa máy móc, công nhân đến thi công vài ngày rồi lại rút. Đến giữa năm 2017, khối lượng thi công mà nhà thầu này nợ so với số vốn đã ứng vẫn gần như không thay đổi, khiến dự án vẫn chỉ là những khung bê tông dang dở, cỏ mọc ngày càng cao.
Trong một kết luận thanh tra về dự án nêu trên của Bộ KH-ĐT từ năm 2014 thì việc ứng trước cho nhà thầu UDIC khi không có khối lượng thực hiện, để nhà thầu sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là chưa đúng quy định, nhưng đến nay tỉnh Nam Định vẫn chưa xử lý với nhà thầu này. Ông Vũ Khắc Đông, Phó ban Quản lý dựa án các công trình trọng điểm tỉnh Nam Định cho biết, dự án bị chậm tiến độ do UDIC thi công cầm chừng để chờ thêm vốn. Theo ông Đông, ngoài gửi công văn đôn đốc và gia hạn dự án, chủ đầu tư chưa xử phạt nhà thầu UDIC vì vi phạm hợp đồng. Thậm chí, tỉnh Nam Định còn bù giá nhân công và máy thi công cho nhà thầu thêm gần 7 tỉ đồng, ngay khi nhà thầu đã dừng thi công.
Đáng chú ý, cuối tháng 6 vừa qua, khi đại diện Bộ KH-ĐT về Nam Định kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra vi phạm của UDIC tại dự án này thì UBND tỉnh Nam Định lại “cứu” nhà thầu bằng cách cho phép UDIC được dùng số tiền nợ chưa thi công ở gói thầu BVH2 để thi công gói thầu BVH4, đồng thời gia hạn cho gói thầu BVH4 đến trước ngày 31.12.2017.
Cũng theo ông Đông, do dự án BV 700 giường không nằm trong diện dự án được đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020, nên dù nhà thầu hoàn thành khối lượng thi công tương ứng với số vốn đã ứng thì dự án vẫn phải tạm dừng đến sau năm 2020 mới có thể có vốn để đầu tư tiếp.
Theo ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Sở KH - ĐT tỉnh Nam Định thì tương lai của BV 700 giường còn có môt hướng đi khác. "Chúng tôi sẽ xem xét, đề nghị tỉnh tìm nhà đầu tư để tiếp tục triển khai thi công và hoàn thành BV, tránh lãng phí. Tất nhiên là nhà đầu tư phải có thực lực, đủ sức hoàn thành nốt không chỉ các hạng mục xây dựng mà các hạng mục đầu tư khác trong tổng kinh phí dự án trên 850 tỉ đồng để đưa BV vào vận hành", ông Dũng nói.
Văn Đông (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.