Tiến độ vẫn chậm dù có đủ tiền
Để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án thủy lợi Krông Pách Thượng sau 10 năm trì trệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có nhiều cuộc làm việc với UBND tỉnh Đăk Lăk và đến tháng 3 vừa qua, đã ban hành Quyết định 706 phê duyệt kế hoạch chặn dòng, thi công vượt lũ công trình đập chính của dự án. Về phía UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành kế hoạch triển khai đền bù giải phóng mặt bằng.
Theo đó, trước 30/4/2020, Đắk Lắk phải giải phóng mặt bằng được 134,5 hecta vùng lòng hồ; trước 25/8/2020 thêm 485 hecta và trước tháng 11/2020 phải hoàn thành toàn bộ. Thế nhưng, đến nay, kế hoạch này vẫn dậm chân tại chỗ, chưa mét vuông nào trong hơn 1.100 hecta lòng hồ được giải tỏa.
Dự án thủy lợi Krông Pách Thượng sau 10 năm trì trệ
Ông Mai Quang Vượng, Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8, Bộ NN&PTNT, đại diện chủ đầu tư khẳng định, Bộ NN&PTNT đã làm hết trách nhiệm khi đề xuất Quốc hội, Chính phủ phê duyệt bổ sung vốn, phê duyệt cả khung cơ chế, chính sách riêng cho đền bù, giải phóng mặt bằng dự án. Lúc này, tiền đã có, cơ chế, chính sách cũng đầy đủ mà dự án chậm trễ là không thể chấp nhận được.
“Tôi cũng đã báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường, không làm đền bù được là người dân sẽ có phản ứng rất lớn. Hồ sơ bàn giao thì cứ ông này đổ ông kia. Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đã cử đồng chí Trưởng ban Nội chính, Thường vụ tỉnh ủy xuống làm việc với các huyện, nguyên nhân vì sao nó chậm. Cần thiết thì phải làm việc với Công an, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh xem lý do sao mà quá chậm”, ông Mai Quang Vượng cho biết.
Đốt hồ sơ - công an vào cuộc
Trước bức xúc của Ban Quản lý Dự án thủy lợi 8 về việc Đăk Lăk không triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng vùng lòng hồ Krông Pách Thượng như kế hoạch, gây cản trở dự án và tạo nhiều hệ lụy khác, ông Phạm Văn Hạ, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk (gọi tắt là Ban A tỉnh) phân bua, Ban mới chỉ được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng hồ Krông Pách Thượng từ năm 2018. Trước đó, từ năm 2009 đến 2017 chủ đầu tư giải phóng mặt bằng là UBND huyện Ea Kar. Cho đến năm 2018, trách nhiệm này được chuyển cho Ban, thì một phần hồ sơ về diện tích và các đối tượng phải đền bù, giải phóng mặt bằng đã bị thất lạc một cách bất thường.
Công trình Hồ chứa Krông Pách chậm tiến độ
“Giải quyết các vấn đề mang tính tiêu cực và có hiện tượng trục lợi là có, đặc biệt là địa bàn Ea Kar. Một số diện tích như bãi vật liệu, khu đầu mối thì trước đây Trung tâm quỹ đất huyện Ea Kar đã lập phương án và đã tổ chức kiểm đếm với người dân. Sau khi chuyển chủ đầu tư cho Ban quản lý dự án, thì khi họ thấy có vấn đề, các tài liệu cũ đấy thì thất lạc mất, gây khó khăn trong quá trình phục hồi lại, mà đặc biệt là có nhiều tài liệu không phục hồi được”, ông Phạm Văn Hạ nêu những dấu hiệu tiêu cực.
Về cáo buộc huyện làm mất hồ sơ đền bù giải tỏa, gây khó khăn lớn cho công tác này, ông Lê Đình Chiến, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar khẳng định có tình trạng này, và lỗi thuộc về Trung tâm phát triển quỹ đất Ea Kar.
“Tại thời điểm đó Chi nhánh trung tâm quỹ đất Ea Kar thuộc Trung tâm quỹ đất tỉnh. Trung tâm mới bàn giao cho huyện từ tháng 7/2018, sự việc này xảy ra trước đó từ 2015-2017, tổ chức kiểm đếm sai sót thế nào đó và anh em sợ trách nhiệm nên đốt hồ sơ. Nhưng thời điểm đốt hồ sơ thì đã chuyển về huyện, do đó đồng chí Chủ tịch UBND huyện đang đề nghị cơ quan Công an xem xét sự việc có phải hình sự hay không”, ông Lê Đình Chiến cho biết.
Đẩy trách nhiệm, nguy cơ tái sa lầy dự án
Theo ông Trương Đình Liên, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, huyện có 2 xã bị ảnh hưởng trong vùng lòng hồ của thủy lợi Krông Pách Thượng với diện tích bị ngập khoảng 800 hecta, với 700 hộ dân và khoảng 4.000 người sinh sống.
Ông Liên cho rằng, dự án được phê duyệt từ năm 2009 nhưng cho đến nay mới giải phóng mặt bằng là quá chậm và lỗi không phải do huyện mà do tỉnh. Chủ đầu tư giải phóng mặt bằng là Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk (Ban A tỉnh), cho đến nay vẫn chưa hoàn thành việc thuê tư vấn để đo vẽ trích lục, bản đồ giải thửa phục vụ lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. Do đó, khi Ban A tỉnh thuê Trung tâm lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng thì đơn vị từ chối nhưng vẫn bị ép nhận.
Dự án có nguy cơ tái sa lầy
“Chúng tôi có văn bản không làm nữa, M’Đrắk không đủ điều kiện để làm, họ dùng áp lực của tỉnh, bắt huyện phải làm. Không đủ điều kiện là vì đến bây giờ trích lục chưa thực hiện đầy đủ và còn nhiều sai sót. Mà trích lục rất quan trọng, chứng minh cho người dân biết có bao nhiêu thửa đất, bao nhiêu diện tích để người dân biết tài sản trên đó”, ông Trương Đình Liên khẳng định.
Cũng vì chậm trễ, áp lực lớn, ông Khương Văn Phong, Trưởng phòng TN&MT huyện M’Đrắk cho biết, tỉnh còn đang giao cho huyện thu hồi đất của tổ chức, cá nhân và xác định giá định giá đất cụ thể tại lòng hồ Krông Pách Thượng. Điều này là quá khả năng và trái luật. Cấp huyện tỏ ra rất lúng túng, không biết phải làm sao khi làm một công việc vừa mới, vừa không đúng thẩm quyền. Cũng vì thế, tiến độ đã chậm càng thêm chậm.
“Giải phóng mặt bằng vùng lòng hồ kiểu này thì không biết đến bao giờ mới xong, chúng tôi không thể vì đẩy nhanh tiến độ mà làm sai nguyên tắc được”, ông Khương Văn Phong nêu ý kiến.
Trong khi huyện M’Đrắk đang căng sức chưa xong việc, thì tại huyện Ea Kar, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện đã hết việc theo hợp đồng với Ban A tỉnh 3 tuần nay. Dù hết việc, nhưng vẫn còn khoảng 100 hecta thuộc địa bàn huyện nằm trong vùng dự án mà chưa giải phóng xong.
“Phần diện tích còn lại chưa giải phóng thì Ban A tỉnh chưa bàn giao hồ sơ nên huyện Ea Kar không biết làm gì hơn là ngồi chờ”, ông Lê Đình Chiến, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho biết.
Dự án thủy lợi Krông Pách Thượng được Bộ NN&PTNT phê duyệt triển khai theo quyết định 1394/QĐ-BNN-XD ngày 15/5/2009 với tổng vốn đầu tư ban đầu là gần 3.000 tỷ, thực hiện bằng vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án bao trùm diện tích gần 2.300 hecta, tưới cho khoảng 15.000 hecta, nên có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đăk Lăk nói chung và các huyện phía đông tỉnh nói riêng. Cuối năm 2018, dự án được phê duyệt điều chỉnh vốn đầu tư lên 4.400 tỷ đồng. 1.400 tỷ đồng chênh lệch, đều dành cho đền bù, giải phóng mặt bằng.
Dự án lớn, ý nghĩa lớn, nhưng cách làm lại đầy tắc trách, bất cập và nhiều sai phạm đang khiến nguồn vốn đầu tư bị lãng phí, cơ hội đầu tư phát triển của người dân và doanh nghiệp bị trôi qua, đồng thời gây bất ổn về an ninh trật tự. Đặc biệt, việc mất hồ sơ đền bù, giải tỏa ở một dự án quan trọng như vậy, là sự cố nghiêm trọng, có dấu hiệu phạm tội. Để tiến độ dự án không tiếp tục bị níu kéo, đe dọa tính mạng, tài sản người dân, gây nguy cơ đội vốn, đồng thời chặn đứng các mưu đồ trục lợi nếu có, cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính quyền tỉnh Đắk Lắk.
-
Đắk Lắk: Lấy đất của dân 15 năm chưa đền bù vì… chưa có tiền
Tháng 7/2005, TP Buôn Ma Thuột quyết định thu hồi 6.059,9m2 đất của 74 hộ dân để làm đường Lê Thánh Tông nhưng đến nay chỉ 8 hộ được đền bù...
-
Đắk Lắk khởi công tòa cao ốc phức hợp cao 7 tầng tại thành phố Buôn Ma Thuột
Sáng ngày 19/11, Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dầu khí Minh Đức (TP.HCM) đã khởi công xây dựng tòa nhà cao ốc phức hợp Minh Đức Tower tại TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
-
Khám phá tương lai của Buôn Ma Thuột và Đà Lạt trong quy hoạch mới đến 2050
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1337/QĐ-TTg ngày 6/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
-
Diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất tại Đắk Lắk từ 1/11/2024
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định 41/2024, quy định hạn mức một số loại đất; giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15/10/1993; điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉ...