Những vùng đất mới
Nhiều địa phương tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên đã, đang và sẽ triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông đường bộ có quy mô lớn, tạo động lực mới trong việc phát triển kinh tế xã hội. Những dự án này sẽ góp phần tăng cường liên kết vùng, đồng thời mở ra nhiều vùng đất phát triển mới trong thời gian tới.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã khởi công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Vân Phong - Nha Trang, đồng thời khánh thành dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm,... Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh DT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và NinhThuận.
Trong thời gian tới, Khánh Hòa sẽ tập trung chỉ đạo đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh, nhất là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Đơn cử như các dự án ngoài ngân sách tại Khu kinh tế Vân Phong, các dự án đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Tỉnh này cũng tích cực xúc tiến thủ tục đầu tư dự án cao tốc Nha Trang - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (PPP), đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nửa đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bình Định có nhiều dự án giao thông đã thi công hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, gồm: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường Trần Nhân Tông (đoạn từ khu dân cư phía đông Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn đến hết cầu số 2 qua sông Hà Thanh); Tuyến đường trục Đông - Tây kết nối với tuyến đường phía Tây tỉnh (ĐT.638), đoạn Km137+580 - Km 143+787.
Tỉnh Bình Định cũng đang khẩn trương đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định có nhiều dự án chuyển tiếp và khởi công mới như, dự án Đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến - Diêm Vân hơn 2.674 tỷ đồng; Dự án Tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại hơn 1.043 tỷ đồng; Dự án Đường Biện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân hơn 519 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có tuyến đường kết nối với đường ven biển (ĐT.639 trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn hơn 786 tỷ đồng; Tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh (ĐT.638) đến đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ hơn 818 tỷ đồng; Xây dựng tuyến đường ven biển (ĐT.639) đoạn từ Quốc lộ 1D - Quốc lộ 19 mới hơn 1.490 tỷ đồng; Xây dựng tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong hơn 791 tỷ đồng;…
Đường ven biển Võ Chí Công, tỉnh Quảng Nam.
Còn tại Quảng Nam, giai đoạn 2021 - 2023 tỉnh này tập trung đầu tư một số công trình giao thông lớn, mang tầm chiến lược quan trọng kết nối liên vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, như: Các tuyến đường đi cảng Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, hoàn thiện đường Võ Chí Công, các tuyến đấu nối đến cửa khẩu quốc tế Nam Giang,…
Trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ. Trong đó, trọng tâm ưu tiên là các hạ tầng giao thông chiến lược, như: Giao thông liên vùng Đông - Tây, sân bay, cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Quảng Nam cũng đề xuất, tìm nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án trong kế hoạch trung hạn 2020 - 2025, làm tiền đề cho giai đoạn trung hạn 2026 - 2030. Đồng thời kiến nghị Trung ương có các biện pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách để kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, tiếp tục bố trí nguồn vốn đầu tư công để mở rộng các quốc lộ qua địa bàn tỉnh, nhất là các tuyến kết nối Đông - Tây như quốc lộ 14E, Quốc lộ 14B, Quốc lộ 14G.
Giai đoạn 2021 - 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là gần 63.500 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2023 là 15.743 tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Bình đã tập trung triển khai và hoàn thành các công trình giao thông quan trọng gồm: Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông gồm tuyến chính và 8 tuyến kết nối với chiều dài 24,9 km; dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương gồm 12 tuyến đường dài 57,93 km và 23 cây cầu dân sinh kết nối giữa các khu vực cô lập, bãi ngang với các vùng trung tâm.
Địa phương này cũng phối hợp triển khai dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua địa bàn tỉnh.
Hiện Quảng Bình đã hoàn thành các thủ tục đầu tư và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3. Địa phương cũng sẽ nâng cấp, cải tạo các tuyến ĐT.562, ĐT.560 đảm bảo theo quy hoạch để đề xuất nâng cấp quản lý thành QL.9G;…
Tỉnh Lâm Đồng đã, đang và sẽ triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông đường bộ có quy mô lớn gồm: Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo hình thức đối tác công tư (giai đoạn 1); Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn, thành phố Đà Lạt.
Dự án xây dựng đường Cam Ly – Phước Thành; Dự án đầu tư xây dựng đường tránh thành phố Đà Lạt từ chân đèo Prenn đến xã Xuân Thọ; Dự án xây dựng đường nối đô thị Thạnh Mỹ - Liên Nghĩa; Dự án Nâng cấp tuyến đường ĐT.721 đoạn từ Km0+000 đến Km 16+100;…
Quy hoạch nhiều hành lang kinh tế gắn với các tuyến giao thông huyết mạch
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiều quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có định hướng việc phát triển nhiều hành lang kinh tế tại các địa phương.
Đơn cử tại Khánh Hòa có bốn hành lang kinh tế. Trong đó, hành lang kinh tế Bắc - Nam là một bộ phận của hành lang kinh tế Bắc - Nam quốc gia. Đây là hành lang kinh tế chủ đạo của tỉnh Khánh Hòa, gắn với trục giao thông Bắc - Nam, kết nối 3 vùng động lực phát triển, kết nối chuỗi đô thị ven biển, các hạ tầng cửa ngõ như cảng biển, cảng hàng không,…
Hành lang kinh tế Đông - Tây trên cơ sở trục giao thông Quốc lộ 26, Quốc lộ 26B và Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Đây là tuyến hành lang kết nối khu vực phát triển đô thị, các trung tâm dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp ven biển với khu vực nội địa của tỉnh; kết nối khu vực Nha Trang - Vân Phong với tỉnh Đắk Lắk.
Hành lang Nha Trang - Diên Khánh - Khánh Vĩnh trên cơ sở Quốc lộ 27C và cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng). Hàng lang kinh tế này sẽ tăng cường hiệu ứng lan tỏa phát triển từ thành phố Nha Trang; kết nối tổng hợp cả về đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp; kết nối khu vực Nha Trang, Diên Khánh, Khánh Vĩnh với tỉnh Lâm Đồng.
Cuối cùng là hành lang Cam Ranh - Cam Lâm - Khánh Sơn trên cơ sở đường ĐT.656. Hành lang kinh tế này sẽ kết nối, lan tỏa phát triển từ khu vực ven biển, đồng bằng với trọng tâm là thành phố Cam Ranh và đô thị mới Cam Lâm với khu vực miền núi Khánh Sơn; kết nối về du lịch biển - đảo với du lịch sinh thái núi, rừng, văn hóa; kết nối giữa nông nghiệp - công nghiệp chế biến.
Tương tự tại tỉnh Quảng Bình sẽ có ba hành lang kinh tế. Trong đó hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1A, đường ven biển; hành lang kinh tế Đông - Tây dọc quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - thị xã Ba Đồn - cảng biển Hòn La; hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Cũng theo quy hoạch vừa được phê duyệt, tại Hà Tĩnh sẽ có ba hành lang kinh tế. Trong đó, hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam và đường ven biển; hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; hành lang kinh tế trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh.
-
Làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam) - Làng Du lịch tốt nhất năm 2024
Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam cho biết, sáng ngày 15/11, làng rau Trà Quế (Hội An) được vinh danh trong mạng lưới Làng du lịch tốt nhất năm 2024 của Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc - UN Tourism....
-
Quảng Nam sẽ đầu tư dự án chống ngập thành phố Tam Kỳ quy mô 4.000 tỷ đồng?
Ông Trần Nam Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký Công văn số 8759/UBND-KTTH giao nhiệm vụ thực hiện thủ tục chuẩn bị dự án Chống ngập thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
-
Quảng Nam đề nghị bàn giao 868 ha đất khu vực phía Đông đường trục chính vào sân bay Chu Lai
Ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký Công văn số 8707/UBND-KTN gửi đến Bộ Quốc phòng về việc rà soát, phân định, bàn giao phần đất dân dụng để thực hiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, tỉnh Quảng Nam....