Trước bối cảnh “dòng tiền khó”, nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải tính đến việc bán một phần hoặc toàn bộ dự án để xoay xở.

Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã không còn đặt cao kỳ vọng về giá mà đã dần thể hiện thiện chí trong việc thương lượng với mong muốn sớm đạt được thoả thuận.

Báo cáo thị trường bất động sản quý 2 và 6 tháng đầu năm của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, thời gian qua, các nhà đầu tư ngoại vẫn đang duy trì sự quan tâm tới các dự án bất động sản trong nước. Càng về sau, mức độ quan tâm càng tăng lên. Trong đó, các dự án đã hoàn thiện thủ tục pháp lý là mục tiêu săn lùng của nhiều nhà đầu tư.

Đặc biệt, khi thị trường bước vào giai đoạn “dòng tiền khó”, cùng với đó là những vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý kéo dài, thanh khoản sụt giảm, lãi suất tăng cao, trong khi điều kiện vay vốn ngày càng khắt khe, nhiều chủ doanh nghiệp buộc phải tính đến phướng án bán một phần hoặc toàn bộ dự án để duy trì hoạt động, trả nợ, “lấy ngắn nuôi dài” tránh tình trạng sụp đổ.

Theo VARS, khách hàng của các thương vụ mua bán phần lớn là nhà đầu tư đến từ các nước như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan… Chỉ có một số ít doanh nghiệp Việt Nam, có đủ tiềm lực để tham gia cuộc chơi với các thương vụ quy mô vừa và nhỏ.

VARS cho biết, Keppel Land, Frasers, WHA, Central Retail… là những tên tuổi ngoại đã và sẽ tìm kiếm cơ hội M&A ở các phân khúc bất động sản thương mại, nhà ở và công nghiệp.

Ngoài các doanh nghiệp trong ngành, các nhà đầu tư từ các lĩnh vực khác cũng đang tìm kiếm cơ hội gia nhập và mở rộng danh mục đầu tư sang ngành bất động sản.

Phương thức chuyển nhượng chủ yếu vẫn là nhận chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp dự án. Trong đó, tách riêng doanh nghiệp dự án và mua bán đứt doanh nghiệp là lựa chọn được nhiều bên mua ưa thích.

Số lượng các chủ đầu tư có nhu cầu tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư dự án rất lớn. Thay vì giữ vững “kỳ vọng được giá”, các chủ đầu tư dần thể hiện thiện chí thương lượng với mong muốn đàm phán sớm đạt được thành công.

Theo VARS, tính đến hết quý 2, hầu hết các thương vụ M&A mới đang chỉ diễn ra trong giai đoạn đầu là tìm kiếm và khảo sát, chưa đi đến bước đàm phán và chốt giao dịch.

Dự báo về thị trường M&A thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng, hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động. Các thương vụ hoàn tất bước thăm dò, khảo sát trong quý 2 sẽ tiếp tục chuyển sang bước đàm phán, thương lượng trong quý 3. Đầu quý 4, rất có thể thị trường sẽ chứng kiến một vài thương vụ thành công đầu tiên, tuy nhiên, số lượng sẽ không nhiều và giới hạn ở các dự án quy mô nhỏ với pháp lý cơ bản hoàn thiện.

“Các thương vụ quy mô vừa và lớn sẽ tiếp tục duy trì quá trình đàm phán đến hết quý 4.2023 thậm chí kéo dài sang quý 2.2024. Khi M&A đạt được thành công sẽ góp phần cải thiện nguồn cung. Các dự án dang dở gặp được chủ đầu tư có tiềm lực tài chính sẽ nhanh chóng được tái khởi động. Các chủ doanh nghiệp thu được tiền từ M&A cũng có nguồn để quay lại thực hiện các dự án còn giữ lại”, ông Đính cho hay.

Cũng theo vị này, có nhiều cơ sở để kỳ vọng sự phục hồi dần của thị trường, đặc biệt là từ cuối quý 3 cho đến hết năm 2023. Tuy nhiên, cần xác định rõ tinh thần lạc quan phải đi kèm với tâm thế cẩn trọng.

Để giải quyết bài toán dòng tiền cho doanh nghiệp, Chủ tịch VARS kiến nghị nghiên cứu các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ngoại từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện trong hoạt động M&A. Tuy nhiên, cần có cách biện pháp kiểm soát để tránh sự “thâu tóm” của các nhà đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch VARS cũng kiến nghị tạo điều kiện cho các chương trình xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh công tác hỗ trợ kết nối các nhà đầu tư với doanh nghiệp. Nghiên cứu phương án “mua lại” các dự án còn tồn tại nhiều vướng mắc mà doanh nghiệp không thể xử lý được. Sau đó hoàn thiện thủ tục và thực hiện đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư mới thực hiện dự án.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.