Lời nói thật của Thống đốc đã cho thấy, có một “dòng tiền đen” đang âm ỉ “chảy” trong hệ thống ngân hàng (NH) và trong nền kinh tế, đây là “dòng tiền” được coi là nợ xấu nhưng đã bị chính các NH, các tổ chức tín dụng che đậy một cách hết sức tinh vi.
Và khi con số dư nợ tín dụng của nền kinh tế được Thống đốc đưa ra là khoảng 2,7 triệu tỉ đồng thì rất nhiều người đặt câu hỏi, “dòng tiền đen” chiếm bao nhiêu phần trăm trong con số khổng lồ đó? Đáp án cụ thể cho câu hỏi trên chưa có nhưng chắc chắn dù nó là nhỏ hay to thì “bong bóng” nợ xấu sẽ phình to!
“Mua bom” vì “bán” hạn mức tín dụng
Sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận cán bộ NH trong quá trình thẩm định hồ sơ hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp (DN) khiến nhiều NH phải đối diện với một khoản nợ xấu không nhỏ! Thời gian gần đây, vấn đề liên quan đến công tác thẩm định tài sản, ký bảo lãnh tín dụng… trong các hoạt động nghiệp vụ của NH được nhắc đến khá nhiều. Tại Hội thảo khoa học “Cơ chế xử lý nợ xấu: Kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam” do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, không ít cán bộ NH đã thông đồng với khách hàng, cho vay khống dẫn đến nguy cơ NH mất vốn hoặc nợ xấu gia tăng.
Và trong bối cảnh nền kinh tế đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn như hiện nay, sản xuất kinh doanh đình trệ, ế ẩm, nguy cơ nợ xấu NH gia tăng đang được nhắc đến khá nhiều, đặc biệt khi nhiều nghiệp vụ NH đã không được thực hiện một cách nghiêm túc, thậm chí là nhắm mắt làm bừa, ký cho qua. Các hợp đồng tín dụng về hạn mức tín dụng là một điển hình trong số đó.
Hạn mức tín dụng được hiểu là mức dư nợ vay tối đa được duy trì trong một thời gian nhất định mà NH và khách hàng đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Khác với loại vay thông thường, NH không xác định kỳ hạn nợ cho từng món vay mà chỉ khống chế theo hạn mức nhất định, có nghĩa là vào một thời điểm nào đó nếu dư nợ vay của khách hàng lên đến mức tối đa cho phép, thì khi đó NH sẽ không phát tiền vay cho khách hàng.
Theo một cán bộ NH, cũng giống như mọi hợp đồng vay vốn khác, các hợp đồng tín dụng cũng đều phải tuân theo quy trình thẩm định nghiêm ngặt. Đặc biệt là việc xác định giá trị tài sản mà tổ chức, cá nhân đang nắm giữ dùng để thế chấp hay bảo đảm cho giá trị hợp đồng vay vốn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, quy trình này đã không được thực hiện một cách đầy đủ, đúng trình tự nên dẫn tới việc định giá sai, quá cao so với giá trị thực khiến NH phải đối diện với nguy cơ mất vốn.
Nói như vậy để thấy rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, không ít DN đã bị phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động thì nguy cơ đó càng tăng lên gấp bội. Nếu như các hợp đồng bảo lãnh không đúng quy trình sẽ khiến NH đối diện với việc kiện tụng, tố cáo, mất uy tín thì hợp đồng tín dụng sẽ làm NH thiệt hại một khoản tiền không nhỏ.
Cán bộ NH trên nêu ví dụ như sau: Tổng giá trị tài sản của khách hàng A là 5 tỉ đồng thì giá trị hợp đồng tín dụng không thể vượt qua 5 tỉ đồng được. Tuy nhiên, bằng quan hệ hoặc bằng “hoa hồng”, lại quả, nhân viên thẩm định của NH đã định giá tài sản của khách hàng A lên 7 tỉ đồng. Như vậy, giá trị hợp đồng tín dụng thay vì ở mức dưới 5 tỉ đồng có thể lên 5 tỉ, thậm chí là trên 5 tỉ. Điều này cũng đồng nghĩa, khách hàng A hoàn toàn có thể sử dụng khoản tiền 5 tỉ hoặc trên 5 tỉ cho các giao dịch của mình.
Vấn đề sẽ không có gì nếu như khách hàng A vẫn có khả năng thanh toán, nhưng nếu điều ngược lại xảy ra thì sao? NH sẽ phải đối diện nguy cơ nợ xấu gia tăng. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi thực tế, giá trị tài sản lớn nhất của các DN là đất đai thì giờ đã giảm xuống 30 hay 40% và thậm chí là 50%. Vậy nên, tài sản mà DN mang ra đảm bảo trong các hợp đồng vay vốn, sử dụng vốn NH đã bị “bốc hơi” một phần không nhỏ. Khi đó, nếu DN bị phá sản, NH có thể thu hồi tài sản thế chấp và phát mãi thì khoản tiền cho vay cũng không thể nguyên vẹn.
Đó chỉ là câu chuyện nhỏ cho một trường hợp cụ thể nhưng nó cũng cho thấy một nguy cơ, các DN là khách hàng lớn nhất của NH đang ốm yếu nên khả năng thanh toán các khoản vay là rất khó. Và trong bối cảnh kinh tế được dự báo là còn khó khăn như hiện nay, không biết từ nay đến cuối năm sẽ còn có biết bao nhiêu DN, bao nhiêu dự án lâm vào cảnh phá sản nữa.
“Bom” sẽ nổ nếu...
Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 13/11, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nợ xấu hiện nay của nước ta là 8,82%, gần gấp đôi so với con số "tự kiểm điểm" của các NH. Nhiều tổ chức tín dụng bị chi phối bởi các cổ đông và khẳng định là có lợi ích nhóm trong hệ thống NH, cũng như tác động của nó tới nợ xấu khi tổ chức báo cáo nợ xấu chỉ 1-2%, nhưng kết quả thanh tra lại cho thấy con số lên đến vài chục phần trăm. Cụ thể, thanh tra toàn diện 27 tổ chức tín dụng cho thấy, ở nhiều nơi, nhóm cổ đông nắm vai trò chi phối tại NH đều có công ty "sân sau". Dư nợ của bản thân NH tại các công ty này rất cao, có nơi lên tới 90%.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, phần lớn dư nợ nêu trên "nằm chết" trong BĐS... Mức độ nghiêm trọng của nợ xấu cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 14-11 khi Thủ tướng đưa ra nhận định: Nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh. Xử lý nợ xấu là yêu cầu cấp bách, nhưng phải được giải quyết đồng bộ, có quy trình phù hợp…
Mối họa nợ xấu trong lĩnh vực BĐS giờ đã không còn là cảnh báo khi mà một công ty được xem là “khủng nhất” trong hoạt động đầu tư khu công nghiệp như Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán KBC) do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc thông báo lợi nhuận Quý III/2012 của công ty giảm tới 700%.
Đáng chú ý, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của KBC trong Quý III là -107,334 tỉ đồng và tính chung trong 9 tháng là -220,637 tỉ đồng. Và tính đến ngày 30-9-2012, tổng số tiền KBC phải vay từ các NH là 837 tỉ đồng từ 3 NH là: NH Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (400,799 tỉ đồng với lãi suất từ 15-18%), NH Thương mại Cổ phần Phương Tây (320 tỉ với lãi suất 18%) và NH Thương mại Cổ phần Nam Việt là 116,354 tỉ đồng với lãi suất từ 21,1-22,7%).
Ngoài ra, KBC cũng vay 3.841 tỉ đồng từ các khoản vay dài hạn hạn khác như vay NH, vay dài hạn từ bên liên quan.
Đó là một thực tế mà các nhà hoạch định chính sách cần phải lưu ý bởi giờ đây, một DN tầm cỡ như KBC hoạt động trong lĩnh vực theo cách nói của ông Đặng Thành Tâm khẳng định gần đây là “ít chịu tác động nhất” cũng phải đối diện với thua lỗ “sốc”. Trong khi đó, vốn vay NH thì phải chịu mức lãi suất cao, có khi lên tới trên dưới 20% là hết sức nguy hiểm!
Nguy cơ phá sản đang hiện hữu, “bong bóng” nợ xấu sẽ tiếp tục phình to và trực chờ phát nổ nếu không có một giải pháp tổng lực giải quyết dứt điểm căn bệnh này!