16/08/2012 10:02 AM
Nửa đầu năm 2012, dòng chảy đầu tư trong nền kinh tế có xu hướng tập trung vào VND, thay vì nắm giữ các công cụ thay thế khác như ngoại tệ, vàng.

Tuy nhiên, xu hướng dịch chuyển này có giữ được trong những tháng cuối năm hay không đang là một dấu hỏi.

Chuyển từ vàng, ngoại tệ sang VND

Thống kê số dư tiền gửi của khách hàng tại một số ngân hàng lớn cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tiền gửi, tiền tiết kiệm ngân hàng của người dân bằng đồng Việt Nam (VND) tăng lên đáng kể. Ngược lại, số dư tiền gửi bằng vàng, ngoại tệ lại sụt giảm tương ứng.

Theo BCTC riêng của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank - mã CTG), 6 tháng đầu năm, số dư tiền gửi của khách hàng bằng vàng, ngoại tệ sụt giảm khá mạnh. Cụ thể, số dư tiền gửi không kỳ hạn bằng vàng, ngoại tệ của khách hàng giảm từ 8.951 tỷ đồng đầu năm 2012 về 6.766,8 tỷ đồng; số dư tiền gửi bằng vàng, ngoại tệ có kỳ hạn cũng sụt giảm từ mức 21.362,5 tỷ đồng về 18.846 tỷ đồng.

Nhiều NĐT chuyển hướng từ vàng, ngoại tệ sang gửi tiết kiệm VND

Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã VCB), số dư tiền gửi không kỳ hạn bằng ngoại tệ, vàng của khách hàng giảm nhẹ từ mức 20.428 tỷ đồng đầu năm về 20.005 tỷ đồng thời điểm 30/6/2012, nhưng số dư tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ, vàng của khách hàng lại sụt giảm mạnh từ mức 47.631 tỷ đồng về 43.432,5 tỷ đồng, tương đương mức giảm xấp xỉ 10%.

Tình trạng tương tự diễn ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã EIB). Hai trường hợp ngân hàng có diễn biến số dư tiền gửi bằng ngoại tệ và vàng của khách hàng đi “ngược chiều” với diễn biến chung là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Tính chung 9 ngân hàng TMCP (xem bảng), tổng số dư tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn bằng vàng, ngoại tệ 6 tháng đầu năm sụt giảm 8,7%. Trong khi đó, số dư tiền gửi VND của khách hàng tăng 12,8%, chủ yếu tăng ở loại tiền gửi, tiền tiết kiệm có kỳ hạn.

Điều này cho thấy, có sự chuyển dịch khá rõ rệt trong xu hướng đầu tư thời gian qua. Chính sự chênh lệch lãi suất lớn giữa VND và USD, trong khi tỷ giá được cam kết biến động thấp là động lực quan trọng giúp NĐT ưa thích việc nắm giữ VND. Lộ trình giảm lãi suất được công bố ngay từ đầu năm 2012 khiến NĐT có xu hướng chuyển tài sản nắm giữ sang gửi tiền kỳ hạn dài hơn để được hưởng mức lãi suất cao.

Xu hướng có được duy trì?

Có 5 kênh đầu tư tài chính chủ yếu hiện nay là: VND, vàng, ngoại tệ, bất động sản và chứng khoán. Tuy nhiên, diễn biến xấu của TTCK, bất động sản, vàng suốt hơn 1 năm vừa qua đã khiến mức độ hấp dẫn đầu tư của các kênh này sụt giảm. Nhiều NĐT đang cân nhắc giữa việc nắm giữ ngoại tệ và VND.

Với mức chênh lệch biên lãi suất tiền gửi VND và USD kỳ hạn 1 năm khoảng 7 điểm phần trăm, con số này đủ lớn để NĐT phải cân nhắc chi phí cơ hội giữa việc nắm giữ ngoại tệ hay nắm giữ VND. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu lãi suất tiền gửi VND tiếp tục sụt giảm?

Chỉ cần lãi suất VND giảm thêm 1 điểm phần trăm, từ mức 9%/năm hiện nay về 8%/năm, thì khả năng người dân cân nhắc nắm giữ ngoại tệ thay vì VND có thể sẽ tăng lên. Trên thực tế, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn khiến các DN e ngại đầu tư mở rộng sản xuất là một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu ngoại tệ phục vụ nhập khẩu máy móc, trang thiết bị sụt giảm. Tuy nhiên, diễn biến các năm qua cho thấy, nhu cầu ngoại tệ trong nước thường có xu hướng tăng vào mùa vụ sản xuất phục vụ dịp lễ, Tết cuối năm. Đây cũng là thời điểm tỷ giá USD/VND hay có biến động.

Nếu diễn biến tỷ giá theo đúng phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “không quá 3% cho năm 2012”, thì niềm tin của công chúng vào điều hành chính sách tiền tệ của NHNN sẽ tiếp tục được duy trì, kênh đầu tư dồn vào VND. Ngược lại, ngoại tệ, vàng có thể sẽ trở thành kênh ưa thích khi tất cả các kênh đầu tư bên cạnh nó không phát huy hiệu quả.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.