07/05/2025 10:35 AM
Ngày 6/5, UBND tỉnh Đồng Tháp chính thức có kiến nghị gửi Bộ Xây dựng, đề nghị chỉ đạo chủ đầu tư sớm triển khai thi công tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, một trong những đoạn tuyến quan trọng trong trục cao tốc trục ngang vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Kiến nghị này nhằm mục tiêu đảm bảo tiến độ thi công đồng bộ, đặc biệt là tại vị trí nút giao giữa hai tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và Cao Lãnh - An Hữu.

Tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 đã được khởi công từ tháng 6/2023 và đến nay đã đạt 65% khối lượng công việc - Ảnh TTXVN.

Tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh là một trong những dự án giao thông trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng mức đầu tư hơn 6.127 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 4.462 tỷ đồng là vốn vay ODA từ Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế (EDCF), phần còn lại khoảng 1.665 tỷ đồng là vốn đối ứng từ ngân sách Việt Nam.

Dự án có chiều dài khoảng 26,6km, quy mô 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng 17m, tốc độ thiết kế lên đến 100km/h và dự kiến được thực hiện trong vòng 5 năm kể từ khi hiệp định vay vốn có hiệu lực.

Khi hoàn thành, cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh sẽ kết nối trực tiếp với tuyến Cao Lãnh – An Hữu, hình thành một phần quan trọng trong trục cao tốc ngang Chơn Thành – Cà Mau, đồng thời kết nối với các trục dọc như tuyến TP.HCM – Cần Thơ – Cà Mau. Điều này sẽ giảm tải đáng kể cho Quốc lộ 1, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa các địa phương, đồng thời nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến cao tốc đã và đang đầu tư.

Theo kế hoạch ban đầu, tại cuộc họp giữa các bên liên quan hồi tháng 8/2024, các đơn vị đã thống nhất cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh sẽ hoàn thành xử lý nền đất yếu trong quý I/2025, để tạo điều kiện cho tuyến Cao Lãnh - An Hữu triển khai thi công lao dầm trong quý II/2025.

Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng kiến nghị Bộ Tài chính sớm xem xét, điều chuyển 350 tỉ đồng vốn đầu tư từ giai đoạn 2026 - 2030 sang giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời bố trí vốn trong năm 2025 để phục vụ thi công tuyến Cao Lãnh - An Hữu.

Trước đó, tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 đã được khởi công từ tháng 6/2023 và đến nay đã đạt 65% khối lượng công việc, với tiến độ giải ngân vốn đạt 99,9% trong năm 2025. Một điểm đáng chú ý là nguồn cát phục vụ thi công đã được cung ứng khoảng 2,048 triệu m3, đạt gần 90% nhu cầu tổng thể. Dự kiến đến tháng 6/2025, tổng sản lượng cát khoảng 2,3 triệu m3 sẽ được đưa đầy đủ về công trường.

Bên cạnh đó, vật liệu đất đắp nền với tổng nhu cầu khoảng 205.000 m3 đang được các đơn vị chủ động thu mua từ các mỏ đất tại Hậu Giang và Kiên Giang. Tuy nhiên, do dự án đi qua khu vực đất yếu và địa chất phức tạp, toàn tuyến đều phải xử lý nền đất yếu. Hiện đã hoàn tất gia tải giai đoạn 1, với thời gian chờ lún theo thiết kế dao động từ 10 đến 19 tháng, phụ thuộc vào từng đoạn địa chất cụ thể.

Cả hai tuyến cao tốc nói trên không chỉ đóng vai trò chiến lược trong việc kết nối trục dọc và trục ngang vùng ĐBSCL, mà còn mở ra cơ hội lớn trong thúc đẩy giao thương nông sản, du lịch và đầu tư hạ tầng khu vực.

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.