10/06/2022 9:19 AM
Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, nguồn vốn FDI đáng kể từ Hàn Quốc trong những năm gần đây đang có xu hướng chảy mạnh vào bất động sản Việt Nam.

Nguồn vốn FDI đáng kể từ Hàn Quốc trong những năm gần đây đang có xu hướng chảy mạnh vào bất động sản Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong ba năm trở lại đây, Hàn Quốc luôn nằm trong top ba quốc gia có lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam cao nhất.

Đặc biệt, năm tháng đầu năm nay, tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam từ quốc gia này cao thứ hai, với trên 2,06 tỉ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác lớn nhất với 112 dự án mới, đạt 19,4% tỷ trọng. Đây cũng là quốc gia có nhiều sự điều chỉnh nhất, chiểm 36,7% tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần.

Chế tạo - sản xuất tiếp tục thu hút nhiều vốn FDI nhất

Trong tháng 2 năm nay, Thái Nguyên vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng dự án thêm 920 triệu USD cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam.

Với lần điều chỉnh này, vốn đầu tư nhà máy Samsung Electro - Mechanics tại Thái Nguyên đã tăng từ 1,35 tỉ USD lên 2,27 tỉ USD.

Nhà máy này sản xuất và lắp ráp các linh kiện, phụ tùng cho các loại thiết bị viễn thông, thiết bị di động công nghệ cao, các loại sản phẩm điện và điện tử khác.

Từ năm 2017 trở về trước, tỷ trọng vốn FDI đầu tư vào ngành chế biến chế tạo từ Hàn Quốc luôn đạt tỷ lệ trên 70%. Tính đến tháng 11 năm 2021, tỷ trọng của lĩnh vực này đã ghi nhận sự tăng trưởng, đạt mức 74%.

Nhận xét về xu hướng dòng tiền đến từ Hàn Quốc, ông Andrew Lee, Quản lý cấp cao, Bộ phận Phát triển Kinh doanh thị trường Hàn Quốc của Savills Việt Nam, cho biết xu hướng đầu tư theo chuỗi giá trị, đặc biệt là mặt hàng có giá trị gia tăng cao đang ngày càng rõ nét trong những năm gần đây.

Nhờ vào những ưu thế của khu vực, các dự án tiêu biểu đang tập trung phần lớn tại vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Mặt khác, các ngành công nghiệp truyền thống như dệt may xuất khẩu, năng lượng tiếp tục được ưu tiên tại các khu công nghiệp, kinh tế phía Nam.

Gia tăng vốn đầu tư vào bất động sản

Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, bất động sản cũng đang thu hút nguồn vốn FDI đáng kể từ Hàn Quốc trong những năm gần đây.

Tỷ trọng đầu tư vào bất động sản tăng gấp đôi vào năm 2018 so với năm trước đó. Tính từ năm 2020, con số này đang trên đà tăng và đạt 13% vào cuối tháng 11.2021.

Đánh giá về hoạt động của thị trường trong thời gian qua, ông Andrew Lee cho rằng đại dịch Covid-19 đã hạn chế hoạt động thương mại của các nhà đầu tư Hàn Quốc do họ không thể trực tiếp tiếp cận các dự án bất động sản tại Việt Nam.

Tuy nhiên, quyết định mở cửa đường bay quốc tế vào quý 1 đã tạo điều kiện để các đơn vị có thể tự do di chuyển và làm việc.

“Họ đang tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư để gia nhập và mở rộng tại thị trường. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng thời gian tới sẽ ghi nhận nhiều dự án bất động sản được rót vốn từ quốc gia này”, ông Andrew Lee nhận định.

Minh chứng là ngay đầu năm 2022, thị trường Việt Nam đã chào đón nhiều dự án mới. Nổi bật là khoản đầu tư 900 triệu USD của Lotte E&C để phát triển khu đô thị thông minh mang tên “Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm”. Bên cạnh đó, tập đoàn YSL cũng đang triển khai dự án đất công nghiệp có diện tích gần 300ha tại Nam Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Đáng chú ý, lĩnh vực hậu cần, kho vận là hai trong những bất động sản công nghiệp nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong đó, xu hướng nổi bật là phát triển kho lạnh hay kho xưởng thông minh.

Theo ông Andrew Lee, Việt Nam là điểm đến lý tưởng của những doanh nghiệp muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư và tránh phụ thuộc vào một nước trong chuỗi cung ứng. Những địa phương có lợi thế về vị trí địa lý gần biên giới, cảng biển cùng hệ thống hạ tầng giao thông phát triển là điểm đến hấp dẫn cho vốn đầu tư.

“Cùng với đó, những cải thiện trong môi trường đầu tư tại Việt Nam đang là động lực quan trọng để nhà đầu tư người Hàn đẩy mạnh dòng vốn vào bất động sản trong thời gian tới”, ông Andrew cho biết.

  • Dòng vốn FDI đang dịch chuyển đi đâu?

    Dòng vốn FDI đang dịch chuyển đi đâu?

    Nếu như trong năm 2021, thị trường ghi nhận lượng lớn vốn FDI sản xuất tập trung tại khu vực miền Bắc, thì bước sang quý 1.2022, dòng vốn này đang chảy vào các tỉnh thành phía nam.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.