Thế giằng co
Với kinh nghiệm sáu năm làm môi giới nhà đất, anh Thịnh (quận 9) cho biết trong khoảng một năm trở lại đây, lượng khách hàng quan tâm đến nhà đất tại khu vực phía Đông (Thủ Đức, quận 2, quận 9) ngày càng nhiều. Đặc biệt là khi có sự xuất hiện của nhiều dự án giá trung bình và những sản phẩm nhà đất có giá xoay quanh mức 1 tỷ đồng/căn luôn được người mua nhà để ở săn lùng. Trong khi đó, những căn hộ hay biệt thự dọc các tuyến đường gần cầu Sài Gòn được giới đầu tư mua để khai thác cho thuê.
Tại khu Nam, anh Trường, một nhà đầu tư bất động sản khu vực quận 7, cho biết với lợi thế hạ tầng sẵn có của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nơi có khá nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc, nhiều nhà đầu tư cũng tập trung về đây mua nhà để cho thuê. Gần đây, một số chủ đầu tư đã mở rộng địa bàn sang khu Nhà Bè với những căn hộ có giá bán trên dưới 2 tỷ đồng/căn đã thu hút nhiều người làm việc ở khu vựa này và các vùng lân cận mua để ở.
Thị trường bất động sản ở khu Đông rất sôi động, nhất là từ khi nhiều dự án hạ tầng tại khu vực này được triển khai. Ảnh: Nguyên Mạnh.
Thống kê sơ bộ cho thấy, tính đến hết tháng 11/2016, khu vực phía Đông có khoảng 8.000 căn hộ được chào bán ra thị trường. Bên cạnh các dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, nhiều dự án quy mô lớn đang được triển khai xây dựng. Chỉ riêng tập đoàn Novaland đã có ba dự án tại quận 2, gồm khu đô thị Lakeview City quy mô 30,1 ha, The Sun Avenue quy mô 1.400 căn hộ và Tropic Garden có khoảng 1.008 căn.
Ngoài ra, khu vực này còn có những tên tuổi lớn khác như Đại Quang Minh với khu đô thị Sala cũng ở quận 2 có quy mô 128,79 ha; Hưng Thịnh Corp với dự án Lavita Garden, Moonlight Residences quận Thủ Đức và 9View Apartment tại quận 9; Khang Điền với các dự án biệt thự và chuỗi sản phẩm nhà liên kế mang tên Mega tại quận 9.
Trong khi đó tại khu vực phía Nam (quận 7, quận 8, Nhà Bè), ước tính đã có khoảng 7.000 căn hộ được bán ra từ đầu năm đến nay. Một chủ đầu tư “kỳ cựu” tại khu Nam Sài Gòn là Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng năm 2016 liên tục tung ra các dự án như Nam Phúc - Le Jardin hay mới đây là Saigon South Residences tại Nhà Bè. Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) cũng đang đầu tư dự án Jamona Golden Silk tại quận 7 gồm các khu nhà thấp tầng và khu cao tầng.
Sau một loạt các dự án tại quận gần trung tâm và khu Đông, Hưng Thịnh Corp đánh dấu sự hiện diện của mình tại khu Nam với dự án Florita. Dự án này vừa được cất nóc vào cuối năm 2016. Cũng trong năm 2016, liên doanh Phát Đạt - An Gia - Creed Group đã tái khởi động dự án The EverRich với tên gọi mới River City. Chủ đầu tư đến từ Singapore Keppel Land cũng công bố giai đoạn 1B của dự án Riviera Point với tên The View tại quận 7.
Hạ tầng quyết định
Theo ông Phạm Điền Trung, Tổng giám đốc Sacomreal, Nam Sài Gòn nằm trong định hướng phát triển chung của thành phố, có lợi thế lớn về hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận lợi, môi trường sống trong lành. Điểm nổi bật của Nam Sài Gòn so với các khu vực khác là sở hữu nhiều tiện ích khá hoàn chỉnh nên thu hút rất nhiều cư dân về đây sinh sống.
Ngoài ra, việc thành phố chủ trương phát triển ra bốn hướng, trong đó hướng Nam được đẩy mạnh để quy hoạch phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ nên được cho là rất “lý tưởng” cho các doanh nghiệp đã, đang và sẽ phát triển các dự bất động sản tại đây. “Sau khi phát triển thành công nhiều dự án ở khu vực này, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển một số dự án trên địa bàn quận 7 và lân cận”, ông Trung cho biết.
Giám đốc một doanh nghiệp địa ốc đang đầu tư dự án ở cả khu Đông và khu Nam cho biết, hơn 2 năm trở lại đây, thị trường bất động sản ở khu Đông rất sôi động, nhất là từ khi tuyến đường sắt đô thị số 1 được khởi công và tuyến đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động. Doanh nghiệp của ông cũng dịch chuyển về hướng Đông theo làn sóng này để đón đầu cơ hội do lợi thế quỹ đất khu này còn nhiều.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam, mỗi khu vực đều có những lợi thế riêng nhưng tính đến hết 9 tháng đầu năm thì khu vực phía Đông thành phố vẫn chiếm ưu thế hơn và là nơi mà thị trường bất động sản phát triển nhộn nhịp nhất.
“Khu Đông nằm trong trọng tâm phát triển của thành phố nên cơ sở hạ tầng được phát triển khá đồng bộ. Bên cạnh đó, khu vực này là cửa ngõ đi về các thành phố biển như Vũng Tàu, Nha Trang và cả khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra, khu Đông chỉ cách quận 1 con sông Sài Gòn, hiện nay đã có hầm Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm và sắp tới sẽ có cầu Thủ Thiêm 2, 3 nên tiềm năng phát triển của khu phía Đông rất lớn”, bà Dung nhận định.
Bà Dung cho rằng khu vực phía Nam cũng có lợi thế là hệ thống hạ tầng có sẵn của khu đô thị Phú Mỹ Hưng và cũng là vùng đất tiềm năng với nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự phát triển không đồng bộ về cơ sở hạ tầng cũng như khoảng cách di chuyển khá xa đến khu trung tâm và việc tắc đường thường xuyên vào giờ cao điểm khiến cho bất động sản khu Nam kém sôi động hơn khu Đông.
Theo định hướng quy hoạch của thành phố, TP.HCM đã chọn hai hướng Đông và Nam làm hướng chính và đã có những phát triển đáng kể. Theo đó, các dự án hạ tầng tại mỗi khu vực đang được triển khai rầm rộ. Với một mạng lưới giao thông được đầu tư rộng khắp, trong thời gian tới không chỉ khu Đông - Nam mà thị trường bất động sản của nhiều khu vực khác cũng sẽ sôi động và tạo nên thế cạnh tranh quyết liệt giữa các chủ đầu tư.
“Khu Đông nằm trong trọng tâm phát triển của thành phố nên cơ sở hạ tầng được phát triển khá đồng bộ. Bên cạnh đó, khu vực này là cửa ngõ đi về các thành phố biển như Vũng Tàu, Nha Trang và cả khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra, khu Đông chỉ cách quận 1 một con sông Sài Gòn, hiện nay đã có hầm Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm và sắp tới sẽ có cầu Thủ Thiêm 2, 3 nên tiềm năng phát triển của khu phía Đông rất lớn” Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam |