Năm 2020, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nằm trong khoảng 2,6-2,8%. Đây là mức tăng trưởng được đánh giá là cao so với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại Đồng Nai, tăng trưởng kinh tế năm nay khả năng sẽ đạt 6%, cao gấp hơn 2 lần so với bình quân chung của cả nước.

Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: H. Giang

Theo Sở KH-ĐT, dự kiến năm 2020, giá trị sản xuất ngành Công nghiệp của tỉnh đạt gần 721,9 ngàn tỷ đồng, tăng gần 7,26% so với cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng gần 3,2%; tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 182 ngàn tỷ đồng, tăng 5,5%; thu ngân sách nhà nước đạt 54 ngàn tỷ đồng, tương đương 102% dự toán; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong nước đều vượt kế hoạch năm...

Kịp thời ứng phó với khó khăn

Trong năm nay, có 4 tháng liền (tháng 3, 4, 5, 6) nền kinh tế cả nước phải đối mặt với suy giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bắt đầu là thiếu nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, tiếp đến thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do nhiều đơn hàng bị tạm dừng hoặc kéo dài thời hạn giao hàng. Hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Tuy nhiên, các DN tại Đồng Nai kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tìm thêm khách hàng, thị trường xuất khẩu mới và tăng tiêu thụ nội địa để bù lại. Vì thế từ tháng 7-2020, các DN tại Đồng Nai đã bắt đầu phục hồi lại sản xuất.

Ông Lê Xuân Tân, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc ở Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa) cho biết: “Vào thời gian cao điểm của dịch bệnh Covid-19, công ty bị ảnh hưởng lớn về sản xuất, xuất khẩu. Nhưng nhờ Việt Nam khống chế dịch bệnh tốt nên các DN giảm được nhiều thiệt hại. Các đối tác nước ngoài cũng tin tưởng giao những đơn hàng lớn cho các DN gỗ tại Đồng Nai. Vì thế, ngoài duy trì được những đơn hàng đã ký kết, DN còn ký thêm được các hợp đồng mới với nhiều đối tác nước ngoài”.

Thị trường xuất khẩu gặp khó, nhiều DN Đồng Nai đã quay về sân nhà và tìm cách tăng thị phần. Theo ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1, năm nay ngành Dệt may gặp khó khăn rất lớn trong sản xuất, xuất khẩu, vừa thiếu nguyên liệu đầu vào vừa khó tìm đầu ra. Công ty đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch bằng cách mở rộng sản xuất vải không dệt cung ứng cho các nhà máy may khẩu trang trong nước, may khẩu trang, quần áo bảo hộ để tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Do đó, công ty đã giảm bớt được thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Tạo đà phát triển cho năm tới

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà đánh giá, năm 2020, trong tổng số 28 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội đã được Nghị quyết số 184/NQ-HĐND ngày 6-12-2019 của HĐND tỉnh thông qua, sẽ có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 21 chỉ tiêu đạt và 4 chỉ tiêu không đạt. Tuy nhiên, hầu hết các chỉ tiêu quan trọng về kinh tế đều đạt nên tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn giữ mức cao hơn nhiều so với những tỉnh, thành trong khu vực như: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu...

May quần áo xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata Việt Nam. Ảnh: H. Giang

Năm 2020 là năm cuối của giai đoạn 2016-2020 nên giữ được mức tăng trưởng kinh tế cao sẽ tạo đà cho phát triển kinh tế của năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt năm nay tuy xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhưng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đồng Nai vẫn đạt 950 triệu USD, vượt kế hoạch đề ra. Đồng thời, thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, số DN thành lập mới đều vượt kế hoạch năm. Đây là những tiền đề để tăng trưởng kinh tế cho những năm tới, khi các dự án, DN đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai nhận định: “Năm nay, các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu công nghiệp giải ngân nhanh, đồng nghĩa với việc sớm hoàn thành nhà xưởng để đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai có hơn 4 ngàn DN thành lập mới và số vốn đăng ký cao hơn nhiều so với năm 2019. Điều này chứng tỏ niềm tin của cộng đồng DN và người dân vào môi trường đầu tư của Đồng Nai ngày càng tăng lên. Còn hơn 1 tháng nữa kết thúc năm 2020, các DN, sở, ngành, địa phương đều “tăng tốc” hoàn thành kế hoạch được giao.

Hiện UBND tỉnh đang tiến hành xây dựng kế hoạch cho năm 2021 và xác định, năm 2021, tập trung tạo ra các đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đồng thời, phát triển kinh tế tập thể, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản và tăng cường huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế. Mục tiêu năm 2021 của Đồng Nai là GRDP tăng 8,5% so với năm 2020.

Hương Giang (Báo Đồng Nai)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.