Những con đường đất đỏ như thế này sẽ được thay thế bằng các tuyến giao thông hiện đại kết nối vào Sân bay quốc tế Long Thành
Với một dự án quá lớn như sân bay Long Thành nhưng thời gian chuẩn bị lại quá ngắn, Đồng Nai đang đứng trước rất nhiều áp lực và thách thức. Trong đó, một trong những đòi hỏi bất khả kháng là tỉnh phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho dân và quy hoạch vùng phụ cận cùng hệ thống hạ tầng đồng bộ, tương xứng trước khi sân bay Long Thành khởi công.
Chỉ tính riêng giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 1 đã là 2.750 ha, với 1.894 hộ dân và 12 tổ chức bị ảnh hưởng, với kinh phí bồi thường khoảng 11.266 tỷ đồng. Trong khi đó, thời gian để hoàn thành lại quá gấp gáp.
Vì vậy, tỉnh Đồng Nai đã có văn bản báo cáo Thủ tướng đề nghị Thường vụ Quốc hội cho áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Theo đó, tỉnh kiến nghị cho tách tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và ứng vốn để địa phương bắt tay vào việc thực hiện thay vì phải chờ đến khi báo cáo khả thi dự án được trình lại xin ý kiến Quốc hội.
Theo tỉnh Đồng Nai, các quy định hiện nay bắt buộc việc giải phóng mặt bằng khi dự án đã được Quốc hội thông qua báo cáo đầu tư. Do đó, đối chiếu vào kế hoạch của chủ đầu tư là TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thì dự kiến sớm nhất cũng phải vào giữa năm 2017 đơn vị này mới trình bản báo cáo khả thi lên cơ quan quyền lực cao nhất. Khi đó, công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư nếu chỉ có hơn một năm rưỡi để thực hiện thì khó hoàn thành. Nếu được triển khai từ giữa năm 2017 thì theo quy trình thông thường phải tới năm 2020 địa phương mới có thể bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Khi ấy, giai đoạn một của Sân bay Long Thành chỉ có thể hoàn thành vào khoảng năm 2025 chứ khó về đích năm 2023 như kế hoạch ban đầu.
Vì vậy, để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng vào năm 2018, muộn nhất là vào đầu năm 2019, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng cho phép tạm ứng vốn để thực hiện giải phóng trước 2.750 ha mặt bằng phục vụ giai đoạn một của dự án. Tỉnh cũng đồng thời xin được chỉ định thầu các gói tư vấn, thiết kế, giám sát thi công trước một khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn quy mô 282 ha cho các hộ bị giải tỏa trắng. Hiện tại, Đồng Nai đang cố gắng hoàn thiện Khung chính sách bồi thường, tái tạo việc làm theo hướng đem lại nhiều quyền lợi thiết thực cho 15.000 người dân trong khu vực dự án.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, mọi công tác chuẩn bị của địa phương phải thật sự làm gấp rút để trong năm nay đề án có thể được Trung ương phê duyệt và đồng ý cho áp dụng cơ chế đặc biệt trong giải phóng mặt bằng, tái định cư. Phải chạy đua với thời gian để kịp tiến độ nhưng cũng phải xây dựng đề án một cách kỹ càng, chi tiết để sao cho cuộc sống người tái định cư sẽ được tốt hơn nơi ở cũ.
Ngày 31/10, tại Hà Nội, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề “Cần cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng và tái cư cho người dân dự án sân bay quốc tế Long Thành”. Sau đó, Đồng Nai sẽ tổ chức một buổi hội thảo riêng tại huyện Long Thành để tiếp tục lấy ý kiến từ DN, hộ gia đình trong vùng dự án. |