Đi xem nhà năm lần bảy lượt, quyết mua rồi lại thay đổi nhanh chóng, các "thượng đế" mua nhà đang tỏ ra hết sức đỏng đảnh như cô gái tuổi đôi mươi.

Đủ lý do chê và từ chối

"Ngay sau khi có thông tin của Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất, số người hỏi thăm mua nhà đã ồ ạt tăng nhưng chỉ tuần sau đó lại im bặt. Mặc dù mua nhà nhưng nhiều khách hàng vẫn đủng đỉnh chờ đợi. Chăm sóc họ lúc này vô cùng mệt mỏi", ông Đức, một nhân viên môi giới bất động sản ở Hà Đông chia sẻ.

Ông Đức hiện đang có trong tay danh sách khoảng 4 - 5 khách có nhu cầu mua biệt thự và chung cư quận Hà Đông. Trong số này, ba người là công chức nhà nước, hai người còn lại ở tỉnh lẻ lên đây mua nhà cho cho học. Họ là những người đang tìm mua nhà thời điểm này vì giá đã có dấu hiệu giảm mạnh nhưng để "chốt" được một hợp đồng không phải là điều đơn giản.

Đơn cử như ông khách ở Hải Dương lên mua nhà cho con chuẩn bị học đại học, ông Đức phải dắt đi xem mấy chung cư đang triển khai xây dựng. Tận mắt nhìn thấy dự án và tiến độ thi công, ông khách này cũng ưng lắm rồi nhưng "đùng" cái ông lại từ chối mua thời điểm này chỉ vì "vàng đang rớt giá". Ông Đức chỉ biết thở ngắn than dài, liên tục gọi điện để giữ mối làm ăn.

Tuyết Trinh, nhân viên môi giới một sàn bất động sản ở Trung Hòa Nhân Chính cũng buồn rầu kể, chị vừa bị leo cây bởi một khách hàng gọi điện mua căn hộ. Săn ông khách này phải hơn một tuần, ông mới quyết định mua căn hộ CT5 Xa La. Ông khách khá kĩ tính nên muốn đóng tiền vào hợp đồng luôn, không dám đặt cọc qua sàn. Trinh đã phấn khởi có được khách hàng nhưng đến địa điểm hẹn sàn ở Linh Đàm, ông khách bạt vô âm tín, điện thoại thì không liên lạc được. Mặc dù bực bội nhưng Trinh cũng không biết làm cách nào, chấp nhận hôm nay gặp phải vận đen.

Trinh chia sẻ, hồi trước cô chuyên làm về đất nền dự án. Mỗi lô giao dịch thành công, cô cũng đút túi hàng trăm triệu đồng hoa hồng. Hiện tại thị trường khó khăn, Trinh phải chuyển sang mảng căn hộ. Đây là phân khúc không bán chênh được nhiều, hoa hồng thấp. Khó làm ăn, Trinh buộc phải làm cả chung cư mini vơi mức hoa đồng chỉ hai ba triệu đồng. Trước đó ít lâu, Trinh luôn được xếp vào hạng sao của sàn bởi những hợp đồng của cô toàn chị giá hàng tỷ đồng.

Kể về câu chuyện kinh doanh, Trinh chia sẻ: "Khác với thời gian trước, khách hàng phải bám lấy mình. Giờ họ lại là VIP, có được khách mà để tuột tay thì mất miếng ăn. Phải tìm mọi cách để câu kéo khách". Trinh tâm sự, hiện tại, có thời điểm "chốt" được khách hàng để đạt doanh thu trong tháng khó hơn cả lên trời.

Theo anh Hùng, phó giám đốc một sàn bất động sản ở Nguyễn Thị Định, khách hàng hiện tại đã tỉnh táo hơn nhiều. Nhóm đầu cơ mua nhanh bán gọn đã từ bỏ khỏi thị trường, hiện tại chủ yếu là những người mua nhà để ở. Nhóm đối tượng này lại khá chịu ảnh hưởng bởi tâm lý và những tác động bên ngoài. Chỉ cần một tác động nhỏ là họ có thể thay đổi quyết định vì mua nhà là việc hệ trọng và có giá trị lớn đối với cuộc đời của họ.

Anh Hùng đã từng gặp trường hợp, khách hàng đi mua nhà dẫn thêm hai người trong gia đình đi theo. Người mua nhà thì đã ưng lắm nhưng khi qua trao đổi với người thân lại tỏ ra lo lắng và từ chối giao dịch. "Sợ nhất là mấy ông thầy dùi, đã không hiểu biết lại tỏ ra nguy hiểm", anh Hùng cho biết. Nhiều phi vụ làm ăn của anh chỉ cần vài lời bàn ra tán vào của người quen khách hàng đã tan thành mây khói.

Mất tin, khách chưa quay lại thị trường

Đồng quan điểm, ông Quốc Khánh, sàn ở Cầu Giấy cho biết, vừa qua sàn này cũng nhận được hàng loạt cuộc điện thoại của khách hàng tỏ ý định mua nhà nhưng sau một thời gian ngắn, dấu hiệu khởi sắc này đã vụt tắt ngay. Hầu hết khách hàng mới chỉ tỏ ra quan tâm và tìm kiếm. Lý giải nguyên nhân dẫn đến xu hướng này, ông Khánh cho rằng, do tình hình chung của thị trường còn khó khăn, do tâm lý khách hàng vẫn chưa thực sự quay trở lại do đó thị trường vừa có dấu hiệu khởi sắc trở lại, đến nay lại trầm lắng.

Số giao dịch của sàn ông hàng tháng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa đến 10 giao dịch. Mặc dù vậy, sàn vẫn phải duy trì để hoạt động. Ngoài việc kinh doanh bất động sản, sàn còn mở rộng sang lĩnh vực nội thất, vật liệu xây dựng và cả sản xuất hàng xuất khẩu. Theo ông Khánh, mỗi sàn hiện tại cần phải cơ cấu hợp lý, cắt giảm các khỏan chi tiêu và đây là khoảng thời gian cần phải "chèo lái con thuyền" để chờ thị trường có "sóng".

Theo khảo sát thị trường bất động sản Hà Nội, hàng loạt dự án bất động sản từ cao cấp tới bình dân, từ chung cư đến đất nền, thổ cư đều giảm giá mạnh. Thậm chí, có dự án giá giảm đến 50% so với thời điểm cách đây một năm. Theo báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý I năm 2012 của Savills Việt Nam vừa công bố, giá đất biệt thự, liền kề đã giảm thêm khoảng 20% so với quý IV/2011.

Hiện mặt bằng chung về giá bán của các dự án như Kim Chung - Di Trạch đường to 33m giá 38-40 triệu đồng/m2, đường nhỏ 28-30 triệu đồng/m2 chưa bao gồm xây thô.

Dự án khu đô thị Bắc 32 giá liền kề 45 triệu đồng/m2 bao gồm cả xây thô, giá liền kề khu đô thị Tân Tây Đô 33 triệu đồng/m2. Nhà liền kề dự án Vân Canh khoảng 38-40 triệu đồng/m2 bao gồm cả xây thô.

Tại trục đường đại lộ Thăng Long, giá liền kề dự án Nam An Khánh đang chào bán phổ biến ở mức 26-28 triệu đồng/m2, biệt thự giá 23 triệu đồng/m2 chưa bao gồm tiền xây thô. Giá liền kề Geleximco dao động từ 33-37 triệu đồng/m2...

Về phân khúc chung cư, mặc dù chủ đầu tư không giảm giá nhiều nhưng thứ cấp đang bán lại cắt lỗ. Một số dự án có giá thứ cấp giảm mạnh như FLC Landmark, Văn Phú Victoria, chung cư Xa La CT4 đã bàn giao nhà cũng chỉ có giá khoảng 21 triệu đồng/m2.

Động thái mới đây mở van tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và gói hỗ trợ doanh nghiệp sắp được tung ra, mặc dù doanh nghiệp vẫn khó có thể tiếp cận nguồn vốn nhưng nhiều chuyên gia nhận định đây là cách để tạo được niềm tin cho khách hàng, để họ quay lại thị trường

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.