Mua bắt buộc, giải thể, phá sản... tổ chức tín dụng yếu kém là những giải pháp mạnh tay đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra trong Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và Xử lý nợ xấu vừa công bố.
Dự luật được kỳ vọng sẽ tạo đột phá lớn trong xử lý ngân hàng yếu kém, nhất là những ngân hàng có cổ đông lớn quá “chây ỳ”.
Không phải ngẫu nhiên mà GDP quý I/2017 tăng trưởng chậm nhất trong nhiều năm qua. Khối u nợ xấu - đứng đầu là các tổ chức tín dụng yếu kém - chưa được xử lý dứt điểm vẫn âm thầm phát tác trong nền kinh tế. Dù sau 5 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn I, không có đổ vỡ nào xảy ra, an toàn hệ thống được đảm bảo, song phải thẳng thắn, sự yên ổn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Tới thời điểm này, sức khỏe của hệ thống ngân hàng vẫn rất mong manh.
Đặc biệt, với các ngân hàng yếu kém bị mua lại 0 đồng, việc xử lý hậu mua lại rất phức tạp, quy mô nợ xấu và tài sản không sinh lời của các ngân hàng này còn lớn. Nguyên do không chỉ bởi sự yếu kém nội thân của các ngân hàng hàng này.
Thứ nhất, nhiều ngân hàng yếu kém bị mua bắt buộc hiện không đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, không đủ điều kiện đáp ứng về giới hạn cấp tín dụng, điều kiện huy động vốn... để triển khai một số hoạt động kinh doanh bình thường. Tuy nhiên, do cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, chưa có quy định nào điều chỉnh hoạt động của tổ chức tín dụng trong trạng thái này, nên cơ quan điều hành đang rất lúng túng.
Thứ hai, xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay là một trong những nội dung quan trọng đảm bảo khả năng phục hồi của các ngân hàng bị mua bắt buộc. Nhưng thời gian qua, việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của các ngân hàng này hết sức khó khăn, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan có thẩm quyền. Quy định pháp luật lỏng lẻo về quyền thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo không chỉ làm khó với ngân hàng yếu kém, mà còn khiến xử lý nợ xấu của toàn hệ thống rơi vào bế tắc.
Thứ ba, thời gian qua, NHNN phải huy động nhiều ngân hàng lớn tham gia hỗ trợ ngân hàng nhỏ tái cơ cấu và phải dùng nguồn lực ngắn hạn để tái cấp vốn cho các ngân hàng yếu kém hoạt động. Dù vậy, việc chưa có quy định cụ thể về vấn đề này khiến các mạnh thường quân” lo lắng. Bản thân NHNN cũng chật vật với kinh phí hỗ trợ. Do đó, rất cần quy định về ngân hãng hỗ trợ tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém cũng như nguồn ngân sách dài hạn để NHNN hỗ trợ vốn dài hạn cho tổ chức tín dụng yếu kém thông qua công cụ tái cấp vốn.
Thứ tư, ngay cả NHNN cũng rất khó khăn bởi quyền lực bị hạn chế. Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 đã có quy định cụ thể về việc NHNN có quyền trực tiếp mua cổ phần bắt buộc và giao Thủ tướng Chính phủ quy định về việc mua cổ phần bắt buộc của NHNN. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện quy định này còn có nhiều ý kiến chưa đồng thuận, dẫn đến khó khăn lớn cho NHNN triển khai thực hiện. Luật cũng chưa có quy định trao quyền cho NHNN thực hiện quyền yêu cầu giải thể bắt buộc đối với tổ chức tín dụng yếu kém không có khả năng phục hồi.
Trong bối cảnh thiếu cả nguồn lực lẫn cơ chế, không có gì khó hiểu khi việc xử lý ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu kéo dài từ năm nay qua năm khác, gây ảnh hưởng tới nền kinh tế. Ban hành một hành lang pháp lý đầy đủ mới có thể tạo được đột phá trong lĩnh vực này.
NHNN đã đi một bước mạnh mẽ và dứt điểm khi đưa ra nhiều giải pháp mạnh tay trong Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và Xử lý nợ xấu vừa công, trong đó có nhiều giải pháp chưa có tiền lệ đã được thực hiện vài năm trước đây như mua lại bắt buộc hoặc có giải pháp chưa từng có ở Việt Nam như giải thể, phá sản.
Cũng phải nói thêm rằng, giải thể, phá sản hay mua lại bắt buộc mà dự thảo luật đưa ra, là giải pháp cuối cùng. Trước đó, dự luật đã quy định một tiến trình rất dài, từ cảnh báo tới xác định ngân hàng yếu kém, sau đó đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, hỗ trợ phục hồi và xử lý yếu kém. Chỉ đến khi ngân hàng, tổ chức tín dụng đó không còn khả năng phục hồi thì “cực chẳng đã” mới giải thể, phá sản, mua bắt buộc, trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và tránh đổ vỡ hệ thống. Ngay tại những nền kinh tế lớn trên thế giới, phá sản ngân hàng vẫn luôn được tính toán cẩn trọng, kỹ lưỡng và hành động nhanh.
Song, việc pháp lý hóa các giải pháp mang tính thị trường cao này còn giúp người dân hình thành thói quen lựa chọn ngân hàng tốt để gửi tiền thay vì chọn ngân hàng có lãi suất cao, từ đó giảm cạnh tranh không lành mạnh. Đây cũng là áp lực buộc các ông chủ ngân hàng có trách nhiệm hơn trong quản trị ngân hàng.
Riêng với giải pháp mua lại bắt buộc ngân hàng, thời gian qua, việc mua lại ngân hàng 0 đồng được coi là giải pháp tình thế cấp bách, và đã giúp các ngân hàng này tránh khỏi nguy cơ đổ vỡ. Tuy vậy, để đưa vào luật, cần có sự cân nhắc kỹ càng hơn. Ngoài tính phù hợp của pháp luật, đây cũng là giải pháp tốn kém.
Hà Tâm (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.