02/11/2020 8:22 AM
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải coi việc thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020.

Giải ngân ODA mới đạt 30%

Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài cuối tuần qua là hội nghị lần thứ 3 trong 3 tháng qua mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, nhằm kiểm tra tình hình giải ngân, cũng như tháo gỡ các vướng mắc khi giải ngân - một trong những yếu tố quan trọng tác động tới tăng trưởng kinh tế.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài đến ngày 31/10 đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó số vốn giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương là 5.824 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27,07% so với dự toán được giao; số vốn giải ngân của các địa phương là 12.256 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 31,87% so với dự toán được giao.

Phần lớn các bộ, cơ quan Trung ương có mức giải ngân thấp, riêng Bộ Giao thông - Vận tải có mức giải ngân cao nhất với tỷ lệ 44,8%. Một số địa phương có mức giải ngân khá gồm Tây Ninh (91,74%), Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%), Hà Nam (61,64%)…

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, sở dĩ giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài khá thấp là do còn tồn tại một số vướng mắc trong quá trình chuẩn bị, thực hiện. Do hầu hết hoạt động của các dự án gắn với yếu tố nước ngoài nên tiến độ thực hiện chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án, tổ chức đấu thầu… Chính vì vậy, nhiều địa phương phải dừng một số dự án, ảnh hưởng đến việc triển khai thi công các gói thầu xây lắp.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Võ Văn Hoan cho biết, vướng mắc trong việc giải ngân vốn ODA tại Dự án metro số 1, metro số 2 chủ yếu là do vướng tỷ giá đồng Yên và đồng Việt Nam.

“Thành phố đã phân bổ hơn 5.000 tỷ đồng ODA cấp phát từ Trung ương cho 6 dự án, nhưng tính đến ngày 23/10, mới giải ngân đạt 30%, dự kiến ước giải ngân năm 2020 đạt 40,8%. Trong đó, khoảng 2.500 tỷ đồng bố trí cho Dự án tuyến metro số 1 và metro số 2 chưa giải ngân được đồng nào”, ông Hoan cho hay.

Là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ODA thuộc nhóm thấp nhất cả nước, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết, sở dĩ địa phương đạt tỷ lệ giải ngân thấp vì gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, năng lực nhà thầu thấp...

Trao đổi với phóng viên, một nguyên nhân khách quan khác được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chỉ ra, đó là khu vực miền Trung - một vùng kinh tế trọng điểm lớn của đất nước bị ảnh hưởng bởi bão lũ khiến tiến độ thi công các dự án đầu tư công bị ảnh hưởng.

Chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm

Mặc dù thời gian không còn nhiều, song Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh tự tin khẳng định, từ nay đến cuối năm, Cần Thơ sẽ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xử lý nghiêm những trường hợp nhà thầu không hoàn thành nhiệm vụ, phấn đấu đến cuối năm đạt tỷ lệ giải ngân trên 90% kế hoạch.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để giải ngân tối đa vốn ODA.
Chia sẻ kinh nghiệm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, Bộ phân công 5 thứ trưởng phụ trách, theo dõi, đôn đốc thực hiện công tác giải ngân các dự án; xác định tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng vì “không có mặt bằng tức là không có gì”.

Bên cạnh đó, mỗi nhà tài trợ đều có cách làm riêng, quy định riêng, nên đối tác phía Việt Nam cần chủ động hợp tác chặt chẽ, tìm hiểu các quy định của họ để phối hợp giải quyết những nội dung, vấn đề chưa thống nhất. Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả quản lý đội ngũ nhà thầu, nhấn mạnh tinh thần, trách nhiệm và uy tín của nhà thầu, kịp thời khen thưởng và có chế tài mạnh với những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ.

Từ nay đến cuối năm còn lượng vốn khoảng 41.000 tỷ đồng, tương đương 69% kế hoạch chưa được giải ngân, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để giải ngân tối đa khoản vốn này.

Cụ thể, các bộ, ngành phải tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp để làm rõ lộ trình, cách làm ODA thuận lợi, bài bản hơn, từ đó lập kế hoạch ODA trung hạn 5 năm. Lãnh đạo các cấp trực tiếp đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tập trung xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc các dự án đầu tư lớn để đẩy mạnh giải ngân.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, quan liêu, nhũng nhiễu.

Kỳ Thành (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.