30/10/2020 10:26 AM
Thủ tướng cũng yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, quan liêu, nhũng nhiễu… trong điều hành, sử dụng vốn ODA.

Sáng 29-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ ngành, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Còn 41.000 tỉ đồng vốn ODA chờ giải ngân

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết số vốn đầu tư nước ngoài năm 2020 được Thủ tướng giao khoảng 60.000 tỉ đồng, trong đó phân bổ cho các bộ, ngành khoảng 21.516 tỉ đồng, các địa phương khoảng 38.484 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ giải ngân được 18.089 tỉ đồng (địa phương giải ngân được 12.256 tỉ đồng), bằng 30,1% so với kế hoạch giao. Như vậy, khoảng 41.000 tỉ đồng vốn ODA, tương đương gần 70% kế hoạch vẫn chưa được giải ngân.

Ông Dũng cho biết một trong những nguyên nhân của sự chậm trên là do quá trình điều chỉnh thường phải lấy ý kiến nhiều cơ quan trước khi trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Trong việc này, nhiều cơ quan làm rất chậm. Nhiều trường hợp 2-3 tháng mới nhận được ý kiến của các cơ quan, thậm chí với các nhà tài trợ song phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... thường kéo dài, có trường hợp trên ba năm.

Một nguyên nhân khác, cũng theo ông Dũng, do hầu hết hoạt động của các dự án sử dụng vốn ODA chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến điều động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát…

Bên cạnh đó, có nhiều dự án do chuẩn bị đầu tư không kỹ, áp dụng các công nghệ nhanh thay đổi, dẫn đến phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải gia hạn thời gian thực hiện dự án, chậm giải ngân…

Thủ tướng: Thay ngay cán bộ lợi ích nhóm trong đầu tư ODA - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp sáng 29-10. Ảnh: chinhphu.vn

Chấm dứt ngay trì trệ, sợ trách nhiệm

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ODA là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, vì đất nước đang thiếu nguồn vốn phát triển. Do đó, từng bộ, ngành phải chủ động tìm nguồn lực để phát triển đất nước, phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội, giao thông...

Để thúc đẩy giải ngân vốn ODA hai tháng cuối năm và thời gian tiếp theo, Thủ tướng đề nghị người đứng đầu các bộ ngành, địa phương quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý giải quyết những tồn tại và bất cập.

“Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 để nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ thực thi chính sách” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, quan liêu, nhũng nhiễu. Lãnh đạo các cấp phải trực tiếp đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tập trung xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc các dự án đầu tư lớn để đẩy mạnh giải ngân.

“Cương quyết thay, đổi cán bộ không biết làm việc, không hoàn thành, không có trách nhiệm tích cực hoặc là những cán bộ tiêu cực, không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA” - Thủ tướng yêu cầu.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm việc điều chuyển vốn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tránh tình trạng trả lại vốn quỹ dự toán. “Không có công trình dự án, không cải thiện đời sống người dân thì làm sao phát triển đất nước, nếu không làm được thì điều chuyển việc khác” - Thủ tướng nói.

Cuối cùng, Thủ tướng nhắc lại đề nghị người đứng đầu các cấp phải quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo. “Không thể chấp nhận tình trạng có vốn, có tiền mà không tiêu được, không phát triển được, cứ cam chịu nghèo, khó khăn, đó là nghịch lý của sự yếu kém về quản lý của chúng ta, phải kiên quyết đổi thay” - Thủ tướng nói.

TP.HCM: Sắp vay thêm 33 tỉ yen để hoàn thành metro số 1

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP đang thực hiện chín dự án ODA với tổng vốn 123.000 tỉ đồng. Đối với vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương, TP đã phân bổ 5.044 tỉ đồng cho sáu dự án, hiện nay mới chỉ giải ngân đạt 30%, dự kiến cuối năm 2020 giải ngân đạt 40,8%.

Về lý do giải ngân nguồn vốn ODA thấp, ông Hoan cho biết do khoảng 2.500 tỉ đồng bố trí cho dự án tuyến metro số 1 và metro số 2 chưa giải ngân được đồng nào do vướng tỉ giá đồng yen và đồng Việt Nam.

Từ đó, ông Hoan kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT sớm xác định giá trị vốn ODA cấp phát từ ngân sách bằng tiền đồng cho dự án metro số 1 và metro số 2. Trường hợp nếu không giải ngân được trong năm nay, Chính phủ cho phép điều chuyển và giải ngân vào đầu năm 2021.

Cũng liên quan đến dự án metro số 1, ông Hoan cho biết TP ký kết ba hiệp định vay với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với tổng vốn hơn 155 tỉ yen. TP đang phối hợp với JICA chuẩn bị ký hiệp định vay thứ tư, cũng là khoản vay cuối cùng, dự kiến khoảng 33 tỉ yen. Do đó, ông Hoan kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ Tài chính, KH&ĐT, Tư pháp, Ngoại giao… hỗ trợ TP xúc tiến và làm việc với phía Nhật Bản để thực hiện các thủ tục và hoàn tất ký kết khoản vay này trước ngày 30-6-2021 nhằm đảm bảo đủ vốn cho công tác giải ngân.

Tá Lâm (Pháp Luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.