Thế giới đang già nua nhanh bởi những nguồn tài nguyên thiên nhiên bị con người bòn rút ngày càng cạn kiệt. Và con người cũng đang già đi trên sự già nua của chính mặt đất mà mình đang sinh sống. Các kiến trúc sư theo trường phái sinh thái học đô thị từ lâu nhìn thấy điều đó, đã cùng với các nhà hoạt động môi trường lên tiếng cảnh báo để mong tìm ra những giải pháp căn cơ ngăn chặn một sự lão hóa “toàn diện”.

Một mô hình ngôi nhà tương lai do các kiến trúc sư của SCG thực hiện.

Nhưng tha lực từ cỗ xe văn minh thực dụng quá lớn, những bàn tay dù khỏe mạnh đến mấy cũng không ngăn nổi những trận phong ba của sự phát triển thiếu tính toán. Và người ta buộc phải nghĩ ra cách ứng phó với một thực tế ắt sẽ xảy đến với một tâm thế khác, nhẹ nhàng hơn nhưng cũng thụ động hơn.

Năm 2011, trận lũ lụt lịch sử đã khiến nhiều vùng ở Bangkok và 57 tỉnh thành khác của Thái Lan bị ngập sâu trong nước. Tháng rồi, khi chúng tôi đến Bangkok, trên bức tường một số ngôi nhà, công trình công cộng vẫn còn những vệt sơn mà người dân tô lên để đánh dấu mực nước của đỉnh triều hai năm về trước. Cảm nhận rõ nhất về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đó là Bangkok ngày nay rất ngột ngạt, khó thở. Giữa cái nóng 38 độ C của thời tiết, của hơi động cơ và máy điều hòa phả ra từ các tòa nhà chọc trời cộng với nguồn “nhiệt lượng” âm ỉ tỏa ra từ khí quyển chính trị bất ổn, cả thành phố như bị nén trong một cái chai chật được xịt phủ một màu sơn xám.

Không phải chờ đến trận ngập lụt tiếp theo, người Thái ở Bangkok đang cảm nhận rõ sự xuống cấp của môi trường ngay thành phố mình đang sinh sống mỗi khi bước ra đường. Và nhiều người ở Bangkok, đặc biệt là công nhân viên và doanh nhân đã chọn cách “cố thủ” suốt ngày trong các công sở, trung tâm thương mại. Ở đó, họ tạm quên cơn ác mộng đang đến gần nhờ sự hỗ trợ của máy điều hòa luôn đặt ở chế độ phải mặc thêm áo khoác, mùi nước hoa quen thuộc và những dịch vụ mua sắm hào nhoáng...

Triển lãm kiến trúc (Architect Expo) do Hiệp hội Kiến trúc sư Thái Lan (ASA) - dưới sự bảo trợ của Hoàng gia Thái Lan - tổ chức những ngày đầu tháng 5-2014 tại Muang Thong Thani, cách trung tâm Bangkok gần một giờ chạy xe hơi. Bỏ lại cái nóng khô bức bối ngoài cửa, khu triển lãm kiến trúc rộng hơn 75.000 mét vuông lập tức gây choáng ngợp cho những ai quan tâm đến nhà cửa, xây dựng. Hơn 600 doanh nghiệp trong và ngoài Thái Lan chọn dịp này để “show” (giới thiệu) những giải pháp kiến trúc tốt nhất, “hot” nhất, hợp thời nhất.

Kiến trúc xanh, những ý tưởng thiết kế thân thiện với môi trường tạo ra một khuynh hướng lớn dễ nhận thấy ở cuộc triển lãm này. Bởi như đã nói, hơn ai hết, chính những vùng chịu tác động bởi biến đổi khí hậu càng lớn, thì áp lực giải bài toán sinh thái trong kiến trúc được đặt ra càng cao. Trước, để đối phó, sau, để từng bước tham gia cải thiện tình hình.

Thật tình cờ, những điều mà chúng tôi đề dẫn đầu bài viết về sự già hóa của trái đất và con người, kể cả sự cảm nhận tồi tệ về thời tiết Bangkok lại liên quan đến câu chuyện thiết kế một ngôi nhà để sống trong tương lai do những nhà thiết kế của tập đoàn SCG thực hiện.

Trước hết, đó là ngôi nhà được xây dựng hoàn hảo để “đón đầu” sự già hóa của cư dân trong tương lai (Eldercare Solutions). Căn cứ trên những thay đổi thể chất và tâm lý của người già, dưới sự tư vấn của các chuyên gia chăm sóc y tế, căn nhà của người cao tuổi được các kiến trúc sư vẽ ra khá thú vị. Đó không phải là một trò vẽ rắn thêm chân mà căn cứ trên các chỉ số sức khỏe, điều kiện, nguyện vọng riêng của khách hàng.

Tuy nhiên, điều chung nhất, đáng nói là khi quan sát tỉ mỉ các thiết bị, từ bồn tiểu nam, lavabo có tay vịn cho đến chiếc máy kiểm tra sức khỏe cảm ứng qua bước chân, chiếc giường thấp phù hợp với thể trạng người già... bố trí trong những gian phòng đơn giản, tinh tế nối kết với những không gian khác của ngôi nhà, cho thấy cách hiểu của các kiến trúc sư về người già trong đô thị hiện đại tương lai vẫn sẽ có tâm lý vừa mong muốn được chung sống với con cháu, nhưng lại vừa muốn có không gian độc lập, giảm sự phụ thuộc vào con cháu, tự chăm sóc cho mình một cách an toàn.

Ông Anuwat Chalermchai, Chủ tịch Hiệp hội Marketing Thái Lan, đồng thời là Giám đốc thương hiệu lĩnh vực xi măng của SCG, lý giải: “Chúng tôi chú trọng đến người già, vì hiện nay, họ đang là những người đóng vai trò quan trọng trong hiện tại. Họ là chúng ta ở thì tương lai. Cộng đồng người già đang lớn dần. Khi ta đặt ra câu hỏi về đời sống của mình ngày mai, làm sao để tự chủ, độc lập và an toàn, hạnh phúc bên con cháu, là ta trả lời câu hỏi về kiến trúc ngày mai cho mình”.

Và ngôi nhà của một người già được đặt trên một trái đất đang già đi sẽ ra sao? Nói cách khác, làm sao để trái đất không tàn tạ hơn khi chúng ta già đi? Câu trả lời là một ngôi nhà, mà bản thân nó phải tự tạo năng lượng cung ứng cho chính nó. Giải pháp Căn nhà tạo năng lượng đầu tiên tại Đông Nam Á cũng do SCG xây dựng năm 2013 là một sự tích hợp thiết kế sinh khí hậu (bioclimatic design), công nghệ làm mát tự động (passive cooling technology), hệ thống gió cơ khí đi cùng hệ thống kiểm soát thông minh (smart control) tuân thủ quan niệm thiết kế bao phủ (envelop) của căn nhà, mái nhà, trần và tường. Nôm na, ngôi nhà ngoài chỗ trú ẩn, cũng vừa là một bộ máy tự vận hành để đảm bảo các tiện nghi bên trong mà không phải xài đến máy lạnh, không phải mua điện chiếu sáng.

Hãy tưởng tượng, chỉ cần mỗi một ngôi nhà ở Bangkok là một ngôi nhà thông minh, thì thành phố này sẽ cắt giảm 52% điện năng tiêu thụ từ máy điều hòa không khí và 22% điện năng từ hệ thống chiếu sáng. Quá lý tưởng cho trái đất. Và ít ra lúc đó, cư dân ở Bangkok sẽ bước ra đường nhiều hơn, có cơ may thấy bầu trời xanh nhiều lần hơn trong một ngày.

“Việt Nam là một thị trường quan trọng. Sự tương đồng về điều kiện môi trường nhiệt đới cộng với một số đặc tính đô thị, thị dân cho thấy những mô hình kiến trúc này có thể được triển khai tốt tại Hà Nội hay Sài Gòn trong tương lai”, ông Anuwat nói.

Câu hỏi còn lại là từ phòng triển lãm, mô hình để bước vào thực tế và tạo nên sức lan tỏa của tinh thần nhân văn - sinh thái trong kiến trúc sẽ ra sao? Câu trả lời cụ thể về mức độ hiện thực hóa ngôi nhà tương lai, cũng sẽ... thuộc về tương lai.

Với những đô thị, quốc gia phát triển muộn, nếu giỏi nắm bắt được xu hướng sinh thái đô thị, lại có nhiều quyết tâm theo đuổi kiến trúc xanh, thì sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn cho môi trường và chất lượng sống ngày mai.

Nguyễn Nguyên Thảo (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.