Nhiều khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp tại các dự án bất động sản tại Hà Nội, như Ciputra, Vĩnh Hưng Dominium... đang đòi rút tiền đặt cọc. Song việc đòi được tiền vào lúc này xem ra là quá khó.
Thị trường địa ốc tháng 8/2012 tiếp tục ghi nhận những diễn biến nằm ngoài mong đợi của giới chủ đầu tư, khi dự án bất động sản (BĐS) 100% vốn đầu tư nước ngoài là Khu đô thị Nam Thăng Long – Ciputra (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) bị nhà đầu tư thứ cấp nộp đơn đề nghị rút vốn.

Bà N.M.H, trú tại phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đang ráo riết đòi lại khoản tiền 1 tỷ đồng đặt mua chỗ (đặt cọc - PV) mua căn hộ chung cư ở tầng 17, toà nhà L01, Khu đô thị Nam Thăng Long - Ciputra. Khoản tiền này được bà H. đặt cọc từ tháng 11/2010, với điều kiện kèm theo là “nếu quá 1 năm rưỡi mà chủ đầu tư không khẳng định giá bán thì người đặt chỗ được lấy lại 100% tiền đặt mua” (theo khoản 2.1, Thoả thuận đặt chỗ).

Thực ra, việc đòi rút vốn đã được nhiều nhà đầu tư âm thầm tiến hành từ tháng 4/2011, sau khi nhận thấy thị trường địa ốc có những diễn biến bất lợi. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, đại diện Phòng Marketing Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long đã tìm cách trấn an bằng cảnh báo: “Nếu rút tiền vào lúc này, khách hàng sẽ bị phạt 20% số tiền đặt cọc theo cam kết của phiếu đăng ký đặt chỗ”, Với trường hợp của bà H., chủ đầu tư hướng dẫn bà nên chờ đến tháng 5/2012, thì có thể được trả lại 100% tiền đặt chỗ.

Tiếp tục chờ đợi đến ngày 22/5/2012, bà H. gặp lại cán bộ phụ trách Phòng Marketing của Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long, thì chủ đầu tư lại viện lý do bà H. không thực hiện đặt cọc lần 2 theo đúng thỏa thuận, nên không thể giải quyết được. Tranh chấp giữa chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long - Ciputra và khách hàng vẫn tiếp tục kéo dài từ đó đến nay và chưa có kết quả nào.

Một dự án chung cư khác là Vinh Hung Dominium tại số 409, Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng đang bị một nhóm khách hàng nộp đơn đề nghị rút vốn góp. Dự án thực hiện huy động vốn của khách hàng từ tháng 11/2009, với số tiền hàng trăm triệu đồng cho mỗi căn hộ. Việc huy động vốn một mặt được tiến hành trực tiếp giữa chủ đầu tư là Công ty TNHH Kinh doanh nhà Vĩnh Hưng với khách hàng; một mặt thực hiện qua Sàn Giao dịch BĐS của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và thương mại Hạ Long (có địa chỉ tại Phòng 1107, nhà N5A, Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Từ năm 2009 đến năm 2011, riêng Sàn Giao dịch BĐS Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và thương mại Hạ Long đã tiến hành nhiều đợt huy động vốn của khách hàng cho Dự án Vinh Hung Dominium, với số tiền nhiều tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Dự án không tiến hành xây dựng như cam kết trong hợp đồng góp vốn; khách hàng liên lạc với Sàn Giao dịch BĐS để đòi lại vốn góp cũng hết sức khó khăn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Vinalink Land nhận xét, hiện tượng khách hàng yêu cầu rút vốn tại hàng loạt các dự án BĐS là hệ luỵ của tình trạng cấp tín dụng cho thị trường BĐS ở giai đoạn trước quá dễ dãi và tràn lan. “Khi đó, các chủ đầu tư có thể vay một lượng tiền rất lớn để triển khai dự án, mà không tính đến nhu cầu thực tế của thị trường. Đến nay, nhiều chủ đầu tư mất khả năng trả khoản vay đó”, ông Anh nói.

Việc khách hàng đòi được tiền, rút được vốn tại các dự án vào lúc này cũng cực kỳ khó khăn, bởi một phần khoản tiền huy động được, chủ đầu tư đã giải ngân để xây dựng dự án; một phần khác có thể được chủ đầu tư sử dụng để đầu tư vào các dự án khác, mục đích khác... Để có thể trả lại được vốn cho khách hàng, cách duy nhất là chủ đầu tư phải bán được căn hộ, thanh lý được dự án để kết thúc chu kỳ đầu tư. Theo nhiều chủ đầu tư dự án BĐS, thực hiện được điều này vào thời điểm hiện tại có thể coi “điệp vụ bất khả thi”.

Theo Hà Quang (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.