Năm 2001, UBND TP HCM giao Công ty Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh (sau đây gọi tắt là công ty) 2.700 m2 đất tại đường Lê Trực để thực hiện dự án nhà ở phục vụ những hộ bị giải tỏa và người có thu nhập thấp. Quy mô dự án gồm 3 biệt thự và 8 căn nhà liên kế để tái bố trí tại chỗ những người bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng; chung cư 5 tầng thì dành cho CB-CNVC có thu nhập thấp. Từ năm 2004-2005, toàn bộ căn hộ và nhà được bố trí xong nhưng đã quá thời hạn quy định trên hợp đồng nên người dân vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất khác (giấy chứng nhận).
Giá cao gấp 2,5 lần hợp đồng
Bị ảnh hưởng bởi giải phóng mặt bằng, bà Hà Hà Nữ được tái bố trí một căn hộ liên kế với giá 652 triệu đồng và đã đóng đủ tiền. “Lần đóng tiền cuối cùng, tôi trễ có mấy ngày thì bị công ty phạt 1% theo hợp đồng nhưng họ trễ cấp GCN đến mấy năm lại không bị sao cả! Hứa hẹn mãi, đến năm 2008, bỗng dưng công ty gửi cho tôi bảng xác nhận công nợ 870 triệu đồng giá trị quyền sử dụng đất. Lúc mua bán nhà với công ty, tôi đâu có nghe nói đến giá trị quyền sử dụng đất nên không hề biết về món nợ này… Đất đắt gấp rưỡi căn nhà, tôi mà biết thì đời nào dám mua” - bà Nữ khổ sở.
Chị Phan Thị Thúy, chủ một căn hộ, cũng nhận được bảng đòi nợ 250 triệu đồng. Chị cho biết hợp đồng giữa chị và công ty ghi rõ tổng giá bán căn hộ là 400 triệu đồng, hoàn toàn không có bất cứ điều khoản nào đề cập giá trị quyền sử dụng đất. “Tôi đã đóng đủ theo hợp đồng, cho nên nếu phát sinh giá trị quyền sử dụng đất thì công ty phải chịu” - chị Thúy lập luận. Theo ông Hoàng Đình Lạng (cũng là người trong cuộc), trước khi mua nhà, một phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh khẳng định dự án chung cư sẽ không nộp tiền sử dụng đất mà chỉ đóng tiền nhà vì đây là nhà cho người thu nhập thấp. “Bắt chúng tôi đóng giá trị quyền sử dụng đất gần 10 triệu đồng/m2 thì hóa ra cả căn nhà trung bình 15 triệu đồng/m2. Thời điểm 2005, đó là giá nhà cho người thu nhập thấp sao?” - ông Lạng bất bình.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tổng số nợ tiền giá trị sử dụng đất mà 48 hộ dân trong dự án này phải đóng cho chủ đầu tư là 26,8 tỉ đồng, trong đó hộ cao nhất là 4,6 tỉ đồng - gấp 2,5 lần giá trị căn hộ ký kết trong hợp đồng.
Nút thắt nằm ở Sở Tài chính
Ông Trịnh Huy Dưỡng, Trưởng Phòng Kế hoạch - Dự án của công ty, lý giải giá trị quyền sử dụng đất thực chất là giá đất. Tổng giá trị căn hộ, nhà được tính bằng giá đất cộng với giá công trình. Vào giai đoạn năm 2004-2005, vì người dân có nhu cầu cấp bách về nhà ở và quận không nghĩ TP sẽ tính giá đất nên đã cho tạm bán trước theo giá trị công trình. Sau này, Sở Tài chính đã định giá đất dự án gần 40 tỉ đồng cho gần 2.700 m2, gồm đất ở và công trình công cộng. UBND quận Bình Thạnh đã đề xuất, được TP chấp nhận cho thuê đơn vị thẩm định lại và chỉ tính với diện tích đất ở là 1.500 m2 vì phần công trình công cộng đã giao lại nhà nước quản lý. Năm 2008, UBND TP chính thức phê duyệt giá trị sử dụng đất của dự án là 26,8 tỉ đồng. Về việc người dân khẳng định chủ đầu tư phải đóng tiền sử dụng đất theo cam kết trong hợp đồng, ông Dưỡng khẳng định chỉ có vài hợp đồng đầu tiên do sơ suất nên có điều khoản công ty đóng tiền sử dụng đất, các hợp đồng còn lại đều nêu rõ người mua phải đóng tiền sử dụng đất và các chi phí phát sinh theo quyết định của UBND TP. “Quan điểm của quận Bình Thạnh là dự án này chỉ đóng tiền sử dụng đất chứ không tính giá trị quyền sử dụng đất. Nhiều năm qua, quận Bình Thạnh đã kiến nghị nhưng Sở Tài chính không chấp nhận” - ông Dưỡng nói.