11/04/2014 10:51 PM
Ngày 18/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2014. Phương án sáp nhập chưa từng có được đặt ra.

Petrolimex hiện là cổ đông lớn nhất, nắm tỷ lệ sở hữu lên tới 40% tại PG Bank

Cụ thể, PG Bank sẽ trình đại hội đồng cổ đông phương án tái cơ cấu bằng cách sáp nhập vào Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank).

Sau loạt sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại trong hai năm qua, phương án của PG Bank khá đặc biệt và độc nhất cho đến nay.

Phương án đặt ra, ngân hàng này sẽ sáp nhập vào VietinBank và hoán đổi cổ phiếu nhưng vẫn giữ nguyên hình thức tổ chức, bộ máy lĩnh vực hoạt động và đặc biệt là thương hiệu PG Bank vẫn được giữ lại. Sau sáp nhập, PG Bank trở thành một đơn vị thành viên của VietinBank, theo mô hình ngân hàng trong ngân hàng.

Với phương án trên, VietinBank sẽ phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi và sở hữu tới 99% cổ phần của PG Bank. Tỷ lệ hoán đổi đảm bảo không thấp hơn 0,82 cổ phiếu của PG Bank ứng với 1 cổ phiếu của VietinBank.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, kế hoạch sáp nhập trên là hoàn toàn tự nguyện, VietinBank có thiện chí mà không phải Ngân hàng Nhà nước chỉ định “ông lớn” đứng ra xử lý.

Như trên, cho đến nay, phương án sáp nhập PG Bank vào VietinBank là khá đặc biệt. Càng đặc biệt hơn khi nó trở thành một hướng hóa giải tình thế cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành hiện nay.

Petrolimex hiện là cổ đông lớn nhất, nắm tỷ lệ sở hữu lên tới 40% tại PG Bank. Theo chủ trương của Chính phủ, tập đoàn này phải giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống 20% trong năm 2015. Sáp nhập vào VietinBank với phương án trên, tỷ lệ sở hữu của Petrolimex “lập tức” được co về mức thấp trong ngân hàng sau sáp nhập; trường hợp phải thực hiện thoái vốn, khả năng chuyển nhượng sau đó sẽ thuận lợi hơn nhiều so với hiện tại.

Ngược lại, khi nhận sáp nhập PG Bank, VietinBank cũng có cơ hội để tiếp tục mở rộng quy mô và thị phần để trở thành ngân hàng thương mại dẫn đầu hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Điểm quan ngại, hay cái giá mà VietinBank phải trả là cùng góp sức xử lý những khó khăn mà PG Bank đang gặp phải.

PG Bank là một ngân hàng nhỏ với quy mô vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản tính đến 31/12/2013 là 24.875 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế năm qua chỉ 51,7 tỷ đồng.

Điểm được chú ý trong hoạt động của ngân hàng này thời gian qua là tỷ lệ nợ xấu tăng đột biến trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013; từ gần 3% trước đó vọt lên 8,4% rồi lên tới 9,5%. Tuy nhiên, cuối 2013, PG Bank đã bán lại nợ xấu cho VAMC với 752 tỷ đồng, xử lý và thu hồi được 629 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu giảm nhanh xuống còn 2,98%.

Khó khăn tại PG Bank bắt đầu nổi lên từ năm 2012. Cụ thể, từ tháng 10/2012, một số khách hàng lớn của chi nhánh PG Bank Thăng Long không trả được nợ và làm gia tăng đột biến nợ xấu của ngân hàng.

Nhưng trước đó, PG Bank từng là một hiện tượng trong hệ thống, sở hữu những chỉ số sinh lời vượt trội so với nhiều ngân hàng thương mại khác. Điển hình như trong năm 2011, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngân hàng này đạt tới 23%, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 2,7%.

Khi nhận PG Bank, ngoài phép cộng đơn thuần, VietinBank sẽ có thêm một lợi thế đáng kể tại thị trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là địa bàn Đồng Tháp - nơi từng đóng góp tới trên dưới 50% cơ cấu lợi nhuận của PG Bank những năm hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, vai trò và sự liên kết với cổ đông lớn Petrolimex trong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng cũng rất đáng chú ý, bởi tập đoàn này là một hệ thống dòng tiền lớn, lực lượng cán bộ nhân viên, mạng lưới đơn vị thành viên và đại lý trải rộng trên cả nước…

Với hệ thống, dĩ nhiên về mặt số học thì Việt Nam tiếp tục giảm đi số lượng các ngân hàng thương mại. Tiến độ tái cơ cấu mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai được đẩy nhanh hơn. Năm nay, sau Southern Bank, MDB, PG Bank, dự kiến một số trường hợp khác cũng sẽ sớm chính thức rõ kế hoạch, kể cả trường hợp tự tái cơ cấu.

Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.