Đến tận 22h30 ngày 9/2, một số điểm giao dịch vàng tại Hà Nội mới đóng cửa, với lý do an toàn chứ không phải vãn khách mua.

Đến hơn 21h, cửa hàng tại 37B Trần Nhân Tông (Hà Nội) vẫn còn nhiều người chờ mua vàng.

10 tháng Giêng, ngày Vía Thần tài, nhiều người có tâm lý mua vàng lấy may cho năm mới. Ngay từ ngày trước, nhiều người đã chuyền tay nhau tin nhắn chọn giờ giao dịch; hay những cuộc gọi về quê nhắc người thân đi mua vàng…

Từ sáng đến chiều, cảnh người dân xếp hàng dài chờ mua vàng được tái hiện. Thời cao điểm vài năm về trước là cảnh chen mua sốt giá, nay là “sốt tâm lý”.

Đến 17h, một số đầu mối đã có doanh số gần gấp đôi so với ngày Vía Thần tài năm trước, một số thông tin phản ánh hiện tượng “cháy hàng”. Song, cao điểm chỉ thực sự diễn ra sau đó.

Theo quan niệm của nhiều người, trong ngày mua vàng để lấy may cho cả năm, nên chọn mua vào “giờ nước lên”. Giờ này được tính theo giờ thủy triều lên, khoảng từ 18 - 22h, với mong muốn tài lộc cũng sẽ dâng lên trong năm… Đây có lẽ cũng là lý do khiến giao dịch tại một số điểm tăng đột biến.

Đại diện Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cho biết, đến 17h, toàn hệ thống đã bán ra được khoảng 15.000 sản phẩm. Nhưng đến 22h, con số đã vọt lên tới trên 32.000 sản phẩm.

“Có lẽ theo quan niệm giờ nước lên nên người dân mới tập trung mua vào cuối ngày. Chúng tôi thấy lạ và không ngờ ngày Vía Thần tài năm nay lượng người dân đến mua lại đột biến như vậy, đông hơn rất nhiều so với những năm trước”, bà Trần Như Mỹ, Giám đốc Kinh doanh vàng của DOJI cho biết khi cửa hàng cuối cùng tại 37B Trần Nhân Tông (Hà Nội) đóng cửa lúc 22h30.

Phần lớn người dân mua vàng trong ngày đặc biệt này giao dịch nhỏ, chọn mua loại nửa chỉ, 1 và 2 chỉ. Trong hơn 32.000 sản phẩm DOJI bán ra, chủ yếu là hai loại Kim Mã Lộc (1 chỉ) và Kim Mã Phát (2 chỉ). Có lẽ đầu mối này đánh trúng tâm lý và nhu cầu của nhiều người, khi hai sản phẩm này chế tác hình con ngựa (năm Giáp Ngọ) bằng vàng tinh khiết 9999.

Tại đầu mối lớn khác, hệ thống của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng có một ngày làm việc sôi động tại nhiều khu vực.

Ông Trương Công Nhơn, Phó tổng giám đốc SJC cho biết, ước tính trong ngày toàn hệ thống của công ty đã bán ra khoảng 800 - 900 lượng. Con số này là quy đổi, vì hầu hết người dân chỉ mua loại nữ trang 1 - 2 chỉ. Tính ra, đã có hàng chục nghìn người đến giao dịch trong ngày lấy may này.

“Trước đây, tâm lý và truyền thống mua vàng lấy may ngày Vía Thần tài chủ yếu có ở miền Bắc và miền Trung, nhưng năm nay cũng đã phổ biến ở miền Nam. Đây là một nét văn hóa, như tạo thêm không khí trong mùa lễ tết. Vì thế người dân chủ yếu mua những món nữ trang nhỏ lấy may, còn mua vàng miếng theo lượng để đầu tư thì ngày nào cũng có thể chọn mua, cũng có thể đầu tư”, ông Nhơn nói.

Theo đó, sản phẩm bán mạnh tại SJC trong ngày là các loại nữ trang có thể đeo trên người, hoặc để ở bàn làm việc; nhất là bộ sản phẩm “Phúc - Lộc - Thọ”.

Cùng nhìn nhận trên, Giám đốc kinh doanh vàng của DOJI cũng cho rằng, ngày Vía Thần tài trở thành một nét văn hóa, tâm lý truyền thống của nhiều người, khác hẳn với các giao dịch, mua bán để tích trữ, đầu tư hay tính toán lời lỗ như thông thường.

Với các doanh nghiệp đầu mối, cầu tăng đột biến, gần như chỉ có bán ra, nhưng giá không nhiều biến động. Chênh lệch giá mua vào bán ra phổ biến chỉ khoảng 60 - 80 nghìn đồng/lượng và không có những bước tăng nóng trong ngày; chênh lệch so với giá thế giới vẫn ổn định, thậm chí co hẹp chút ít.

Sự ổn định của giá và các mức chênh lệch trên như một phép thử trên một thị trường vàng đã được bình ổn thời gian qua. Mặt khác, nó cũng cho thấy vàng vẫn có một vị trí danh dự trong tâm lý của nhiều người dân.

Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.