Thực tế trên được đại diện Tổng công ty xi măng Việt Nam (Vicem) - ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng Quản lý thị trường và chính sách bán hàng chia sẻ tại hội thảo xuất khẩu xi măng theo hướng bền vững diễn ra ngày 23/4.
Từ một nước phải nhập khẩu, Việt Nam đã chuyển sang xuất khẩu từ năm 2010. Theo thống kê, năm 2014, số lượng tiêu thụ xi măng là 70,58 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước đạt 50,9 triệu tấn, xuất khẩu được 19,68 triệu tấn, tăng 30% so với 2013 và gấp 10 lần so với 4 năm trước đó. Hiện Việt Nam đứng thứ 5 trong số các nước sản xuất xi măng nhiều nhất thế giới.
Ông Quân cho biết các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước đã có bước đi dài sau một thời gian ngắn. Lượng xi măng xuất khẩu không chỉ giải quyết cung cầu trong nước mà còn đem lại cho ngành công nghệ, logistics, cảng biển, kho vận, tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động.
Có thời điểm khi giá thị trường khu vực tăng 4 USD một tấn, xi măng của Việt Nam chỉ tăng 1 USD.
Hiện trong số 106 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh có 5 đơn vị xuất khẩu chính gồm: Vissai, Phúc Sơn, Vicem, Hoàng Thạch và Cẩm Phả. Song, theo đại diện Vicem, thời gian qua hầu hết các đơn vị không mở rộng được thị trường, ngoài Bangladesh, Singapore, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, và thông qua 3 nhà nhập khẩu chính là Biroute, Holcim và HC Trading.
“Rõ ràng, thông số thị trường của các đơn vị đều giao thoa với nhau, nhà nhập khẩu không của riêng một đơn vị nào, nếu không chia sẻ thông tin hoặc kết hợp với nhau thành nhóm thì chắc chắn sẽ bị lợi dụng để các đối tác cạnh tranh làm giá”, ông Quân băn khoăn.
Dẫn chứng thêm, vị này cho biết có thời điểm khi giá thị trường khu vực tăng 4 USD một tấn, sản phẩm của Việt Nam chỉ tăng1 USD, ngược lại khi giá thế giới giảm chỉ 0,5 USD, giá của các doanh nghiệp nội xuống thậm chí tới 2 USD. "Ngay bản thân đối tác đã từng nói rằng các nhà xuất khẩu xi măng của Việt Nam đang tự hại nhau chứ họ hoàn toàn không có ý làm giá", ông tiết lộ.
Do vậy, theo ông Quân, các doanh nghiệp cùng cởi mở thông tin về giá, đàm phán hợp đồng, năng suất, khách hàng sẽ đem lợi ích chung cho cả ngành, chứ không phải lợi của riêng ai.