Thông tin trên được ông Vũ Văn Phấn – Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) chia sẻ bên lề một hội thảo ngày 12/6. Mức 7-8% mỗi năm, theo ông Phấn, cao hơn 2-3% so với mức lãi suất nhà ở xã hội nhưng vẫn thấp hơn lãi suất hiện áp dụng để cho vay đầu tư bất động sản trên thị trường.
"Chính phủ ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở giá thấp theo hướng không khống chế lợi nhuận của chủ đầu tư, nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm", ông Phấn cho hay.
Ngoài ra, ông cho biết doanh nghiệp khi làm nhà ở giá thấp sẽ phải tính toán, bảo đảm hệ thống giao thông, hạ tầng kết nối thuận tiện và đầy đủ công năng để thu hút người dân về ở. Đồng thời, khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, doanh nghiệp phải bố trí tỷ lệ quỹ đất ở tối thiểu là 30% tổng diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp.
Ngoài ra, theo đề xuất trình Chính phủ, doanh nghiệp sẽ được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với diện tích trong phạm vi dự án. Những chủ đầu tư dự án đã trả tiền sử dụng đất theo quy định sẽ được hoàn trả 50% tiền sử dụng đất theo giá đất quy định tại địa phương; được chậm nộp tiền sử dụng đất tối đa 24 tháng từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Bên cạnh các nguồn huy động vốn theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014, ông Phấn cho biết, chủ đầu tư sẽ được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn để thực hiện dự án. Nếu dự án đã thực hiện thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn cấp giấy phép xây dựng.
Với những khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động giải phóng mặt bằng, ông Phấn cho biết, Bộ Xây dựng đang kiến nghị Chính phủ có cơ chế giải phóng mặt bằng sẵn cho doanh nghiệp, rút ngắn thủ tục, chỉ định thầu để tạo điều kiện triển khai nhanh các dự án nhà ở giá thấp.
Yêu cầu xây căn hộ giá rẻ, theo các doanh nghiệp, khiến họ gặp nhiều khó khăn do vừa phải tự thu gom đất, đóng tiền sử dụng đất, mất thêm nhiều chi phí khác nên "đội" giá thành và khó có thể bán giá dưới 20 triệu đồng một m2.