Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đỗ Hồng Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bạch Đằng, Phó chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp (DN) Việt Nam cho rằng, DN ngành xây lắp đang là “nạn nhân kép” của lạm phát.
Thưa ông, ông nhận xét thế nào về tình hình lạm phát của nền kinh tế hiện nay?

Lạm phát ở Việt Nam hiện là do tác động tổng hợp của lạm phát tiền tệ, lạm phát cầu kéo và lạm phát chi phí đẩy, nhưng so với lạm phát năm 2008 thì năm 2011 ít chịu tác động của lạm phát tiền tệ hơn, trong khi tác động của lạm phát do cầu kéo và do chi phí đẩy lại khá rõ.


Ông có thể phân tích sâu hơn tác động của lạm phát tới những đối tượng khác nhau trong xã hội?


Lạm phát đương nhiên tác động tới hầu hết thành phần trong xã hội, nhưng theo tôi, có 4 thành phần chịu thiệt thòi nhất.


Thứ nhất là người về hưu, thứ hai là người gửi tiền tiết kiệm, thứ ba là người cho vay nợ và thứ tư là DN, bởi tín dụng thắt chặt thì DN khó tiếp cận nguồn vốn, trong khi lãi suất cao làm giảm hiệu quả sản xuất - kinh doanh.


Đặc biệt, DN ngành xây lắp có thể coi là “nạn nhân kép” của lạm phát. Họ vừa gánh khó khăn khi đi vay vốn, vừa là “con nợ” của ngân hàng; đồng thời phải chịu thiệt thòi là “người cho vay nợ”, bởi họ là chủ nợ bất đắc dĩ của các chủ đầu tư có công trình xây dựng.


Vậy các DN phải ứng phó thế nào với lạm phát?


Dù mỗi DN đều có cách thức riêng, nhưng vẫn có một mẫu số chung. Đó là DN phải tiết kiệm tối đa trong chuỗi chi phí, chẳng hạn phải làm tăng ca đêm để hưởng giá điện rẻ hơn, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, giảm tỷ lệ hao hụt sản phẩm; giảm tối đa hàng dự trữ và hàng tồn kho, lưu kho để tránh lãng phí ở khâu bảo quản... Tiếp đó là tìm mọi biện pháp để quay vòng vốn nhanh, hạn chế bán hàng chịu, tìm cách thu hồi vốn càng nhanh càng tốt.


DN cũng tìm các phương thức hợp đồng và thanh toán tốt nhất, có thể là chia nhỏ hợp đồng, chia nhỏ giai đoạn thanh toán, xin ứng tiền trước. Các DN cần đa dạng hoá nguồn tài chính, không quá phụ thuộc vào một kênh vốn và khi không có vốn tự có, nên tạm dừng đầu tư mở rộng sản xuất trong giai đoạn này.


Tuy nhiên, DN cần lưu ý cố gắng giữ nguồn nhân lực. Không nên cắt giảm chi phí bằng cách cắt giảm nhân công, tiền lương, nhất là nhân lực ở những khâu quan trọng.


Ông có thể nêu phương thức ứng phó của DN trong một vài ngành cụ thể?


Chẳng hạn, đặc thù sản phẩm xây lắp là hàng hóa có giá trị lớn, thi công lâu, thường phải ứng vốn, thanh quyết toán chậm, dẫn đến chi phí lãi vay ngân hàng rất cao. Vì thế, DN nên chọn công trình “đấu thầu có điều chỉnh giá”, đề phòng giá cả vật tư tăng; DN nên đàm phán để được chia nhỏ giai đoạn tạm ứng thanh toán, tỷ lệ tạm ứng khi bắt đầu thi công càng cao càng tốt.


Nên xây dựng một mối quan hệ bình đẳng với chủ đầu tư, tạo được chia sẻ tốt trong cơ chế tài chính. Nếu được tạm ứng vốn hoặc có nguồn tiền thì nên mua trước vật tư chính để tránh trượt giá.


Hay DN ngành chăn nuôi cần mua hàng và bán hàng trực tiếp, hạn chế khâu trung gian; xây dựng và giữ vững uy tín bằng việc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm khâu vệ sinh, an toàn thực phẩm; luôn theo dõi và bám sát dự báo thị trường cũng như có phản ứng nhạy bén và kịp thời với các chính sách của Chính phủ, tránh thụ động.


Lạm phát làm nhiều DN ở vào tình thế hết sức bấp bênh, sản xuất bị đình trệ, nhưng buộc DN phải cơ cấu lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tăng hiệu quả sử dụng vốn, giảm nợ đọng, tránh nợ xấu phát sinh. Đây cũng là cơ hội để DN chọn lọc khách hàng, đối tác. Nếu DN nào có bản lĩnh, biết thích ứng để tồn tại, thì khi lạm phát qua đi, DN đó sẽ phát triển bền vững hơn.

Theo Huy Hào (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.