18/05/2023 8:44 AM
Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) đã có văn bản gửi tỉnh Bình Định về báo cáo đề xuất Dự án Đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku. Trước đó, doanh nghiệp này đã có văn bản đề xuất gửi đến tỉnh Gia Lai.

Tuyến Quốc lộ 19 nối Pleiku - Quy Nhơn có nhiều đoạn đường đèo hiểm trở. Ảnh: VNExpress

Văn bản VIID gửi lên các tỉnh đề xuất được nghiên cứu Dự án Đường cao tốc Pleiku - Quy Nhơn theo phương thức đối tác công tư (PPP) và pháp luật khác có liên quan, hình thức đầu tư phù hợp với quy định của Luật Đầu tư.

Trước đề xuất của VIID, UBND tỉnh Bình Định đã giao Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét nội dung yêu cầu của Công ty; đồng thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo thực hiện trước ngày 25/5/2023.

Đáng chú ý, trong chuyến công tác đến Bình Định đầu năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu tỉnh Bình Định cùng các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị, lập dự án, triển khai Dự án Tuyến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn.

Thủ tướng yêu cầu đoạn qua tỉnh nào thì tỉnh đó làm, theo hình thức hợp tác công tư, dưới sự quản lý, hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, kết nối 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Bình Định, kết nối Tây Nguyên và duyên hải Trung Bộ, kết nối với các tuyến cao tốc dọc (đường cao tốc Bắc - Nam), tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng.

Từ năm 2020, 3 tỉnh Gia Lai, Bình Định, Kon Tum đã ký kết tờ trình chung gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho xây dựng tuyến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn. Tuyến đường cao tốc này dài khoảng 160 km, đã được quy hoạch, kết nối khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Dự kiến, điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại huyện Tuy Phước (Bình Định), điểm cuối giao với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây khu vực TP Pleiku.

Tuyến cao tốc này sẽ có quy mô 4 làn xe, đi song song với Quốc lộ 19 hiện hữu, kinh phí đầu tư dự kiến là 56.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA, thu hút từ các thành phần kinh tế với nhiều hình thức. Trong đó, giai đoạn 1 (2021-2025), sẽ làm trước 2 làn xe, giải phóng mặt bằng 4 làn xe…với kinh phí 40.000 tỉ đồng. Giai đoạn hai (2026-2030) sẽ đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch với quy mô 4 làn xe

Đây là tuyến ngang kết nối các cao tốc dọc (cao tốc Bắc - Nam), góp phần hoàn chỉnh mạng lưới cao tốc Việt Nam. Tuyến đường khi hình thành sẽ tạo nên tạo trục cao tốc thông qua hệ thống các cảng biển của khu vực duyên hải miền Trung, kết nối Biển Đông với khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, vươn xa hơn kết nối các nước Thái Lan, Myanmar.

Bắc Cơ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.