03/03/2017 5:21 PM
UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương phê duyệt kinh phí bồi thường cho các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại bởi dự án xây dựng cảng biển Kê Gà
Đầu năm 2000, qua mời gọi của UBND tỉnh Bình Thuận, nhiều doanh nghiệp (DN) trong, ngoài tỉnh đã đầu tư xây dựng các dự án du lịch ven biển tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam.
Tuy nhiên, đến năm 2008, khi Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được nhà nước cho phép xây dựng cảng Kê Gà, các dự án du lịch bị đình trệ. Các DN đã bỏ vốn hàng chục tỉ đồng vào các dự án du lịch nhưng đến nay vẫn chưa được bồi thường thỏa đáng trong khi dự án xây dựng cảng Kê Gà ngừng triển khai từ 4 năm trước.
Ông Nguyễn Đức Đăng Toàn, chủ dự án du lịch 4 sao Thế Giới Xanh, cho biết khu du lịch của ông hoạt động vài năm thì bị tỉnh Bình Thuận ra thông báo thu hồi đất để xây dựng cảng Kê Gà, gây thiệt hại quá lớn. Nay TKV không xây dựng cảng thì những DN bị thiệt hại phải được đền bù thỏa đáng.
“Khu du lịch là cả gia sản của mình nhưng bị bỏ hoang nhiều năm, thấy chua xót lắm. Chúng tôi chỉ mong chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan sớm chi trả tiền bồi thường để DN có vốn tiếp tục hoạt động trở lại” - ông Nguyễn Đức Đăng Toàn nói.
Do chủ trương xây dựng cảng Kê Gà nên nhiều khu du lịch ở xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận phải bỏ hoang trong thời gian dài
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, Khu Du lịch Thế Giới Xanh do ông Nguyễn Đức Hiếu, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Du lịch Thế Giới Xanh (nay ông Hiếu đã mất), bỏ ra gần 3.000 lượng vàng (thời điểm năm 2000-2001) để xây dựng trên diện tích hơn 2,4 ha, tiêu chuẩn 2 sao. Khu du lịch này bắt đầu hoạt động từ năm 2004 thì đến năm 2007 bị thu hồi đất để làm cảng Kê Gà.
Cũng trong tình cảnh tương tự, Khu Du lịch Đức Hạnh (nay đổi tên là Vạn Trụ) bị bỏ hoang nhiều năm nên dãy khách sạn 4 tầng đồ sộ hiện đã xuống cấp trầm trọng. Bị thiệt hại, DN này đã yêu cầu bồi thường 21 tỉ đồng nhưng vẫn chưa được giải quyết. Để sửa chữa, bảo dưỡng các hạng mục đã được xây dựng, chủ đầu tư buộc phải vay ngân hàng để tiếp tục thực hiện dự án dở dang.
“Chúng tôi bắt đầu xây dựng khu du lịch này vào khoảng năm 2002. Đến thời điểm tỉnh Bình Thuận ra quyết định thu hồi đất vào năm 2008, công ty đã đầu tư cả ngàn lượng vàng. Thiệt hại lớn là vậy nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền bồi thường nên thiệt hại càng nhiều hơn” - Chủ nhân Khu Du lịch Đức Hạnh than thở.
Tất cả các DN bị “dính” vụ cảng Kê Gà nói rằng đến Bình Thuận để đầu tư vì tâm huyết với ngành du lịch nên những thiệt hại của họ phải được các cơ quan có liên quan tính toán hợp lý, thỏa đáng. Ngoài ra, TKV là DN nhà nước trực tiếp gây ra hậu quả thì phải có trách nhiệm bồi thường theo đúng quy định của pháp luật. Nếu cứ cù cưa việc bồi thường thì càng gây thiệt hại nặng nề hơn.
Đại diện Công ty TNHH Du lịch Thạnh Đạt cho rằng khoản bồi thường phải tính thêm phần lãi suất cho vay của ngân hàng suốt thời gian dự án bị đình trệ; đồng thời, tính đầy đủ giá trị mà công ty đã đầu tư, bao gồm tất cả các chi phí: đổ đất, nổ mìn, san lấp mặt bằng, giá trị đầu tư công trình, giá trị cây cối thiệt hại...
TKV xin được hỗ trợ
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, sau khi kiểm kê thực tế, có 9 dự án du lịch đủ điều kiện được bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền trên 85,7 tỉ đồng, gồm các khu du lịch: Thế Giới Xanh, Đồi Phong Lan, Thạnh Đạt, Tân Thành Minh, Hương Bắc, Phương Bắc, Thảo My, Thạnh Lợi, Minh Ngọc... nhưng TKV chỉ chấp thuận chi trả khoảng 37,5 tỉ đồng. Đối với khoản tiền 48,2 tỉ đồng còn lại, TKV đề nghị tỉnh Bình Thuận hỗ trợ về cơ chế, chính sách ưu đãi cho các dự án du lịch tiếp nhận lại dự án và chia sẻ chi phí hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho TKV…
Lê Trường (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.