CafeLand – Hàng ngàn hộ gia đình vẫn đang phải sinh sống trong những căn nhà lụp sụp, làm tạm bợ nằm chi chít ven các kênh rạch khắp Sài Gòn. Không những không đảm bảo cuộc sống người dân nhà ven kênh rạch còn gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường nước.

Những khu nhà ổ chuột ven kênh sẽ được xóa bỏ trong tương lai.

Khổ vẫn bám trụ vì không biết đi đâu

Dọc 2 bên bờ tuyến kênh Đôi – kênh Tẻ chảy qua các quận 4, 7, 8 dễ dàng bắt gặp hình ảnh những căn nhà xập xệ, nhếch nhác nằm chi chít nhau. Những căn nhà này chủ yếu được làm tạm bợ từ cây xà cừ, tôn cũ nhưng lại là nơi tá túc của hàng ngàn hộ gia đình từ nhiều năm nay.

Nằm ven Kênh Tẻ, căn nhà của của bà Liên được làm từ nhiều vật liệu khác nhau từ gỗ, tôn cũ, xà cừ trong ọp ẹp và muốn đổ sập. Bà cho biết, cả khu vực này nhà ai cũng vậy, hàng chục năm nay họ đã quen sống với cảnh chật chội và ô nhiễm.

“Mặc dù biết điều kiện sinh sống không đảm bảo, thiếu điện, nước sạch và không an toàn nhưng vẫn phải bám trụ vì không biết đi đâu. Chúng tôi đều là dân nghèo, lao động chân tay nên chẳng thể đi đâu ở được”, bà Liên nói.

Ông Nam, người đã gắn bó với khu nhà ven kênh gần cả đời người cho biết, gia đình ông có 6 người nhưng hiện chỉ còn ông bà và người con út đang sinh sống tại đây, 3 người con khác phải thuê phòng trọ ở nơi khác vì căn nhà quá chật hẹp. “Chúng tôi cũng mong muốn được di chuyển đi ở một nơi khác tốt hơn nhưng không biết chính sách như thế nào, tái định cư ra sao”, ông Nam chia sẻ.

Di dời giải tỏa nhà ven kênh rạch là nhiệm vụ cấp bách được TP.HCM đề ra. Trong chương trình “Chỉnh trang và phát triển đô thị” từ nay tới năm 2025, TP.HCM sẽ thực hiện quyết liệt việc di dời và giải tỏa trắng gần 20.000 hộ trên và ven sông rạch để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt mới cho một thành phố hội nhập.

Theo đó, kế hoạch di dời sẽ được tiến hành trong 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 2015 - 2020 sẽ tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn nhà ven sông, rạch. Giai đoạn 2 từ năm 2020 – 2025, sẽ hoàn thành mục tiêu di dời 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch.

Trong vòng 5 năm tới, thành phố sẽ tập trung di dời hàng ngàn căn nhà ven 5 tuyến kênh rạch chính là Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Tổng số vốn đền bù, giải tỏa khoảng 12.400 tỷ đồng.

26.000 tỷ đồng để di dời 20.000 hộ dân

Theo Tiến sĩ Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, để di dời giải tỏa 20.000 hộ dân sinh sống ven kênh rạch thành phố cần khoảng 26.000 tỷ đồng tiền vốn. Để huy động nguồn vốn này, thành phố có thể thực hiện theo 3 giải pháp gia tăng nguồn vốn là: tăng cường nguồn thu cho ngân sách thành phố; thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); và triển khai các giải pháp tạo nguồn thu, huy động mới.

Để tăng ngân sách cho thành phố, ông Quốc cho rằng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như phân cấp nguồn thu, quản lý, khai thác tốt hơn nguồn tài sản nhà nước như sắp xếp bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, riêng việc cổ phần hóa 54 doanh nghiệp nhà nước đã có thể tạo hơn 35.000 tỉ đồng.

Còn theo Giáo sư – Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Hòa, để giảm bớt gánh nặng về ngân sách cho thành phố trong việc di dời giải tỏa nhà ven kênh thì cần xây dựng cơ chế phù hợp để mời gọi các doanh nghiệp tư nhân vào tham gia.

Theo ông Hòa, khi di dời các căn nhà lấn chiếm kênh rạch, nhà ven kênh rạch thì phải khai thác quỹ đất hai bên đường để thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Cụ thể, thay vì chỉ giải tỏa đến ranh ở nơi dự định làm đường thì giải tỏa thâm hậu thêm để tạo quỹ đất dự trữ. Có nguồn đất này, chúng ta tiến hành bán đấu giá để thu hồi nguồn vốn đã đầu tư.

Đại diện một doanh nghiệp địa ốc chia sẻ, nếu để doanh nghiệp tham gia và trả lại bằng đất ngay khu vực giải tỏa thì sẽ có nhiều doanh nghiệp hưởng ứng. Hiện nay, những dự án nhà ở có mặt view sông, hướng sông đang là xu thế được khách hàng ưa chọn nên những diện tích đất tại các khu vực này được các doanh nghiệp địa ốc săn đón.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.