Tiêu thụ giảm mạnh, thị phần co hẹp, hàng tồn tăng, thiếu vốn… là những thách thức lớn hiện nay mà nhiều doanh nghiệp xi măng chưa tìm được hướng để vượt qua.
Doanh nghiệp sản xuất xi măng giảm giá mà vẫn tồn kho lớnTheo thống kê của Bộ Xây dựng, trong 11 tháng năm 2011, tiêu thụ toàn ngành xi măng mới đạt trên 44 triệu tấn. Với đà này, ngành xi măng rất khó đạt mức tiêu thụ như năm 2010 là 50 triệu tấn và trượt xa mức 55 triệu tấn mà Bộ Xây dựng dự báo từ đầu năm.

Có thể nói, chưa bao giờ ngành xi măng đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay và dự báo năm 2012 còn khó khăn hơn, khi nguồn cung tiếp tục tăng do dây chuyền mới đưa vào hoạt động, trong khi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng…

Tiêu thụ giảm, hiệu quả kinh doanh đạt thấp. Bên cạnh đó, hầu hết các dự án xi măng được đầu tư bằng nguồn vốn vay, nên doanh nghiệp phải dồn sức để trả nợ, làm cho tình hình càng khó khăn hơn.

Tại cuộc họp gần đây nhất với ngành xi măng, đại diện Bộ Tài chính cho biết, với tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu chỉ ở mức dưới 9%, thì dù doanh số bán hàng và sản lượng xi măng tăng mạnh, doanh nghiệp cũng không thể kinh doanh hiệu quả.

Có tiềm lực mạnh như Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) mà cũng bị lỗ trên 230 tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Thị phần của Vicem nắm giữ đã giảm từ 40% còn 36%.

Đại diện Vicem cho rằng, với tỷ suất lợi nhuận như hiện nay, doanh nghiệp khó thuyết phục được ngân hàng cho vay vốn đầu tư sản xuất.

Ngoài nguyên nhân khách quan tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, tồn tại cơ bản nhất của Vicem là chi phí sản xuất vẫn cao, sản phẩm còn đơn điệu, không có các chủng loại xi măng mác cao, xi măng đặc chủng...

Với tình hình tiêu thụ khó khăn hiện nay, không ít doanh nghiệp sản xuất xi măng đã liên tục hạ giá bán, thậm chí hạ xuống mức thấp hơn giá vốn để tiêu thụ hàng hóa mà vẫn không đẩy mạnh được tiêu thụ.

Có doanh nghiệp vừa đi vào sản xuất được hơn 1 năm, như Nhà máy Xi măng Đồng Bành (tỉnh Lạng Sơn), nay đứng trước nguy cơ phải dừng sản xuất và đóng cửa.

Ông Vũ Văn Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành cho biết, nếu không có giải pháp tháo gỡ về vốn, nguồn nguyên liệu, nhân lực vận hành sản xuất, thì từ nay đến Tết Nguyên đán, Nhà máy sẽ phải đóng cửa.

Với năng lực sản xuất trên 60 triệu tấn năm, sang năm 2012, nếu vốn cho bất động sản chưa được cải thiện, các dự án hạ tầng bị cắt giảm theo chủ trương siết chặt đầu tư công, thì tiêu thụ xi măng sẽ còn nan giải và việc trả nợ vốn vay đầu tư sẽ tiếp tục là bài toán khó đối với các doanh nghiệp xi măng.

Theo Thế Hải (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.