Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Đó là nội dung quan trọng do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày trong phiên làm việc của Quốc hội sáng 28/5. Trong buổi làm việc này, Quốc hội nghe báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Theo báo cáo, bên cạnh những mặt tích cực, thì vẫn còn nhiều hạn chế trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước.
Cụ thể, tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp nhà nước cao, tăng 26% so với năm 2011 (từ gần 1,3 triệu tỷ đồng lên hơn 1,6 triệu tỷ đồng); hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%).
Lũy kế tính đến 31/12/2016, doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD - tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện. Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (như giá đầu ra giảm mạnh) ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án...
Phát biểu về nội dung trên, Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn Tiền Giang, cho biết, nội dung báo cáo còn khá đơn giản, chưa lột tả được bức tranh tổng thể đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước.
Đại biểu Sơn kiến nghị, báo cáo cần làm rõ các dự án đầu tư thuộc ngành, lĩnh vực nào. Dự án lỗ, hòa vốn, lãi ra sao. Các quốc gia, doanh nghiệp đầu tư. Từ đó tìm ra những hạn chế vướng mắc và nguyên nhân gây lỗ để có phương án xử lý, hỗ trợ thích hợp.