Nhìn nhận bước tiến của ngành Xây dựng những năm qua, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ngành Xây dựng nước ta đã có những bước tiến mạnh mẽ, có thể thi công nhiều công nghệ hiện đại trên những công trình lớn như nhà máy thủy điện công suất 2.400MW, cao ốc 70 tầng, nhịp cầu dài 400m… Nhiều đơn vị chuyển từ vai trò là thầu phụ sang làm thầu chính, tổng thầu xây dựng hợp đồng lớn. Nếu có sự phối hợp giữa các đơn vị và có năng lực tài chính, nhà thầu trong nước có khả năng thắng thầu công trình đấu thầu quốc tế.
Bộ trưởng Dũng khẳng định, sự phát triển của ngành Xây dựng đã góp phần thực hiện mục tiêu Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa mà Đảng và Nhà nước đặt ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những bước phát triển cũng như đóng góp của các DN ngành Xây dựng, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, tại nhiều dự án, các DN cũng thường hay “thua” ngay trên “sân nhà”.
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng thì hằng năm, có khoảng 100 nhà thầu tư vấn, xây dựng nước ngoài vào nhận thầu tại Việt Nam. Bên cạnh những lợi thế về khả năng tài chính, kinh nghiệm đấu thầu quốc tế của DN xây dựng nước ngoài thì còn phải thấy rằng họ đã quá quen với thị trường quốc tế về cung cấp vật tư, thiết bị, cũng như hợp tác, liên kết dự thầu dưới hình thức thành lập các tổ hợp nên dễ dàng “qua mặt” nhà thầu trong nước.
Thực tế công tác đấu thầu tại nhiều công trình thực hiện theo hình thức EPC sử dụng vốn Nhà nước – đây chủ yếu là công trình công nghiệp, điện, xi măng, DN trong nước chưa đảm nhận được khâu thiết kế, cung cấp thiết bị, nên thường yếu thế khi dự thầu.
Ngoài ra, theo giám đốc một DN xây dựng lớn ở Hà Nội ngoài những yếu tố trên, việc thua ngay trên sân nhà còn do chính nhà thầu trong nước không biết hợp tác với nhau để hình thành các tổ hợp như nhà thầu nước ngoài. Thậm chí, các nhà thầu trong nước còn cạnh tranh với nhau, dìm giá, bỏ thầu giá thấp dẫn đến thiệt thòi không đáng có. Điều này cũng lý giải vì sao chất lượng tại nhiều dự án thấp.
“Chính vì không tin tưởng vào kinh nghiệm thi công cũng như quản lý của DN trong nước nên hầu hết các dự án giao thầu, nhà thầu nước ngoài đều làm thầu chính, mặc dù giá hợp đồng có thể cao hơn giá thuê nhà thầu trong nước. Sau đó, nhà thầu chính nước ngoài này lại thuê các nhà thầu Việt Nam làm thầu phụ với giá tương đương trong nước để hưởng lợi”, vị giám đốc này nhấn mạnh.
Theo Bộ Xây dựng, bên cạnh các yếu tố được xem là “tự thân” của các DN xây dựng việc thực thi các quy định pháp luật về tổ chức đấu thầu quốc tế với các dự án sử dụng vốn nhà nước chưa tuân thủ nghiêm túc. Nhiều gói thầu nhà thầu trong nước có thể đảm nhận hoặc không nhất thiết phải thực hiện theo hình thức EPC nhưng chủ đầu tư vẫn tổ chức đấu thầu quốc tế hoặc yêu cầu theo hình thức EPC, đồng thời đưa ra điều kiện tài chính khiến nhà thầu trong nước không thể tham dự.
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Xây dựng đã đề nghị các cơ quan nhà nước phối hợp với các DN, hiệp hội, nghiên cứu cơ chế liên danh, liên kết nhiều hơn với các nhà thầu nước ngoài, đặc biệt tại thị trường khu vực và những nước phát triển. Việc liên danh, liên kết này một mặt vừa tăng cường hiểu biết thị trường, kỹ thuật, tài chính cho DN trong nước, mặt khác vừa tạo lập thị trường khi dự thầu quốc tế.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng cho rằng, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp, tạo điều kiện cho DN trong nước dự thầu quốc tế. Trường hợp phụ thuộc vốn vay nên có cơ chế buộc thầu chính nước ngoài sử dụng thầu phụ Việt Nam với giá phù hợp. Trường hợp sử dụng vốn trong nước phải thực hiện nghiêm yêu cầu các gói thầu EPC mà khả năng nhà thầu trong nước đảm nhận được hơn 50% khối lượng công việc thì không tổ chức đấu thầu quốc tế mà phải tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Thủ tướng giao các đơn vị trong nước làm chủ đầu tư, thực hiện tổng thầu, thi công dự án – công trình trọng điểm, cấp bách quốc gia, công trình trọng điểm của ngành và các sản phẩm dịch vụ công để kích cầu, phát huy vai trò là công cụ phương tiện của Nhà nước trong việc điều tiết thị trường, kiểm soát nền kinh tế.